Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Thursday, 02/05/24

Bữa cơm tất niên – cơ hội quý báu để bồi đắp tâm hiếu hạnh

“Hiếu cũng tức là đạo lý biết ơn và đền ơn. Tình đầu tiên chúng ta nhận được trong đời là tình cha, tình mẹ. Do đó, ơn đầu tiên chúng ta nên báo đáp là ơn cha, ơn mẹ của mình”. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Vào những ngày cuối năm, điều mà những người con xa quê mong mỏi nhất có lẽ là được trở về nhà, quây quần, đoàn tụ với gia đình bên bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Bữa cơm “đặc biệt” ấy đã trở thành một nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam và đây cũng là cơ hội quý báu giúp các thành viên trong gia đình được gắn kết, hiểu nhau hơn và bồi đắp tâm hiếu hạnh cho mỗi người.

Đừng để bữa cơm tất niên trở thành thủ tục trong trí nhớ!

Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết có lẽ là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong tim của nhiều người con Việt. Bởi đây là bữa cơm cuối cùng của năm cũ, mọi người cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên để nhớ ơn những người đã khuất bóng. Bên cạnh đó, trong bữa cơm tất niên cũng là lúc các thành viên được cùng nhau ngồi lại chia sẻ về công việc, cuộc sống và những khó khăn. Từ đó như thổi thêm vào tình cảm gia đình những niềm ấm áp hạnh phúc và cùng hướng đến tương lai, cùng thắp lên ngọn lửa hy vọng về những may mắn và hạnh phúc trong năm mới.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người cũng được nâng cao, dường như bữa cơm tất niên đang mất dần sự thiêng liêng vốn có. Dịp Tết được coi như một kỳ nghỉ thư giãn và bữa cơm tất niên cũng chỉ còn là thủ tục. Bữa cơm tất niên ngày nay không còn nhiều những câu chuyện, những lời hỏi han, sự quan tâm nữa. Thay vào đó là những cuộc hẹn với bạn bè, đồng nghiệp và những bức ảnh, bài viết chúc Tết được đăng trên mạng xã hội. Mà chúng ta đâu biết rằng điều cha mẹ, người thân cần chỉ là những lời quan tâm chân thật, cái nắm tay ấm áp và những nụ cười hạnh phúc của những đứa con xa quê. Có lẽ chúng ta đang quên mất rằng: cuộc sống ngoài đời thật quan trọng hơn cuộc sống ảo trên mạng rất nhiều. Bởi tình cảm chân thành không chỉ là những lời văn qua mạng xã hội mà là qua những hành động thiết thực nhất.

Khơi dậy hai tiếng “gia đình” trong bữa cơm tất niên chiều cuối năm

Chỉ có sum họp trong bữa cơm tất niên, chúng ta mới cảm nhận được hết sự ấm áp, yêu thương và quý báu của hai tiếng “gia đình”. Vậy nên thông qua những hành động nhỏ, mỗi người con hãy làm sống lại tinh thần của bữa cơm chiều cuối năm ấy. Hãy tạm biệt “dế yêu” để dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến những người thân, cùng xuống bếp chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Đó là việc làm thể hiện tấm lòng hiếu thuận, cung kính, ghi nhớ công lao, ơn đức của ta khi nhớ đến gia tiên, ông bà, cha mẹ trong những ngày Tết đến xuân về. Từ đó rèn luyện lối sống có tình có nghĩa, biết kính trên nhường dưới. Đặc biệt đối với cha mẹ, ta càng phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn là người chúng ta tìm đến lúc khó khăn, cha mẹ có thể kiên nhẫn trả lời hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi vì sao của chúng ta. Bên cạnh đó, hơn ai hết cha mẹ luôn mong muốn trở thành một người “bạn” để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con cái.

Hãy mở lòng với cha mẹ trong bữa cơm tất niên

Trong bữa cơm tất niên, mỗi người con hãy bồi đắp tâm hiếu bằng cách thực tập chia sẻ, mở lòng và học cách làm “bạn” để hiểu cha mẹ hơn. Hãy kể về những điều mình đã làm được và chưa làm được trong năm vừa qua, những mong muốn của bản thân trong năm mới. Hay đơn giản là thông báo cho cha mẹ về lịch trình ngày Tết của mình. Và đặc biệt quan trọng, đừng quên nói những lời yêu thương với cha mẹ cũng như xin lỗi cha mẹ vì những việc làm không tốt của mình khiến cha mẹ buồn lòng. Hãy mạnh dạn ôm cha, ôm mẹ của mình; chắc chắn cha mẹ sẽ vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Đó đều là những hành động mang ý nghĩa tốt đẹp thể hiện tâm hiếu của chúng ta.

Sư Phụ từng dạy: “Nếu một người hiếu thảo với cha mẹ thì người ấy thực sự có đạo đức và không thể là người ác được. Còn người bất hiếu là người ác nhất và không có phẩm chất gì. Tất cả hành vi của người này chỉ là giả tạo, không hề có sự chân thật. Bởi người sinh ra thân mình còn không biết yêu thương, không biết tri ân, vong ơn bội nghĩa thì mình còn có tình nghĩa với ai được. Cho nên người con bất hiếu không thể là người có đạo đức tốt được”. Người xưa cũng có câu rằng:

“Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Tình yêu thương, sự hy sinh của cha mẹ cho con cái là vô bờ bến và không có giới hạn. Chính vì vậy, bổn phận làm con thì phải biết tri ân, đền đáp công ơn của hai đấng sinh thành bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình. Đúng như lời Sư Phụ từng căn dặn: “Hiếu cũng tức là đạo lý biết ơn và đền ơn. Tình đầu tiên chúng ta nhận được trong đời là tình cha, tình mẹ. Do đó, ơn đầu tiên chúng ta nên báo đáp là ơn cha, ơn mẹ của mình”. Mỗi người phải xây dựng, củng cố cho mình tâm biết ơn, đền ân đáp nghĩa bằng cách thực tập những cử chỉ yêu thương với cha mẹ không chỉ vào bữa cơm tất niên mà trong cả năm, để mỗi ngày của cha mẹ đều là một ngày hạnh phúc.

Có thể nói: “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”. Thật hạnh phúc khi được về nhà quây quần với gia đình chuẩn bị đón tết và cùng ăn bữa cơm tất niên đầm ấm. Mong rằng mỗi người con sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy những ý nghĩa tốt đẹp của bữa cơm tất niên. Qua đó khơi dậy cũng như bồi đắp tâm hiếu kính của bản thân dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ để xứng đáng là người con có hiếu.

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa