- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Nếu bạn đã gặp ai, hoặc có thể là chính bạn trong một khoảnh khắc nào đó, từng có những biểu hiện sau:
– Kiên quyết giữ quan điểm của mình, bất chấp ý kiến đúng đắn của người khác.
– Có xu hướng bới móc chứ không phản biện thẳng thắn.
– Cảm thấy tức giận, thiếu kiên nhẫn khi người khác thuyết phục bạn sai.
– Tiếp tục ngoan cường làm một điều chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.
Khoa học hành vi gọi đó là những biểu hiện của tính bảo thủ. Vấn đề là những người bảo thủ không bao giờ tự nhận mình bảo thủ (ít nhất là trước mặt những người khác). Thay vào đó, họ thường bào chữa cho tính cách của mình bằng những cụm từ như “kiên định”, “ngoan cường” và “không bao giờ bỏ cuộc“.
Tuy nhiên, ranh giới giữa tính bảo thủ và sự kiên định thường rất mong manh. Và điều đó có thể khiến mọi người nhầm tưởng. Ví dụ như khi nhìn bức ảnh dưới đây, bạn thấy vịt hay thấy thỏ?
Ảo giác này là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong triết học. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1892, trên số tháng 10 của tạp chí hài hước Fliegende Blätter ở Đức.
Nhưng con vịt hay thỏ này chỉ được nâng tầm sau khi nhà triết học người Áo Ludwig Wittgenstein sử dụng nó vào năm 1953, trong cuốn Điều tra triết học để minh họa cho thứ mà ông gọi là “nhận thức khía cạnh“.
Thoạt tiên khi một người nhìn vào hình ảnh này, họ sẽ thấy đó là một con vịt hoặc thấy một con thỏ. Tần suất bạn nhìn thấy thỏ hoặc vịt trong 100 mili giây đầu tiên phụ thuộc vào các yếu tố xã hội học, sinh học và tâm lý của bạn.
Chẳng hạn một thí nghiệm được thực hiện tại Thụy Sĩ vào năm 1993 cho thấy cả trẻ em, người lớn lẫn người già ở nước này sẽ nhìn thấy thỏ nhiều hơn vào chủ nhật lễ phục sinh. Nhưng vào một chủ nhật vào tháng 10, họ sẽ nhìn thấy vịt.
Tuy nhiên, điểm thú vị nhất ở ảo giác này là khi một người đã nhìn thấy một trong hai con vật và biết ảo giác còn chứa một con vật thứ hai, họ đã “lật não” của mình lại để nhìn thấy con vật ẩn.
Bộ não chúng ta có thể nói: “Bây giờ nó là một con vịt“, nhưng sau một khoảnh khắc, “bây giờ nó là một con thỏ“. Wittgenstein gọi đó là “nhận thức khía cạnh“, và quá trình bộ não lật qua lật lại nó là sự thay đổi khía cạnh.
Lấy một ví dụ khác, bạn hãy thử nhìn 4 dấu chấm trên đây. Bình thường, chúng ta vốn nhìn chúng là 4 dấu chấm tách biệt nhau. Nhưng bạn cũng có thể điều khiển não bộ mình nhìn thấy đó là nhóm 2 chấm một đứng song song, 2 chấm đứng giữa 2 chấm hoặc nhóm 3 chấm đứng kế 1 chấm và ngược lại.
Khối lập phương cũng vậy, ban đầu, bạn có thể nhìn thấy nó quay về một hướng. Nhưng khi cố gắng định hình lại các khả năng có thể xảy ra, bạn sẽ thấy nó quay về một hướng khác.
Với tất cả những hình ảnh này, rõ ràng một điều là hình ảnh phản chiếu của chúng trên võng mạc bạn không hề thay đổi. Chính những suy nghĩ trong đầu bạn đã khiến nhận thức khía cạnh của bạn thay đổi.
Và hãy thử mà xem, bạn không thể cùng nhìn thấy cả vịt và thỏ cùng một lúc. Nó giống như hai mặt của một đồng xu và người bảo thủ thì sẽ nói đồng xu chỉ có một mặt duy nhất mà họ nhìn thấy.
Nhưng tại sao có người lại bảo thủ đến thế?
Để trả lời câu hỏi này, hãy thử nói một chút về tính kiên định. Đặc điểm mấu chốt để phân biệt tính kiên định và tính bảo thủ, đó là những người kiên định đưa ra quyết định dựa trên lựa chọn sáng suốt của họ, còn những người bảo thủ chỉ ra quyết định dựa trên phản xạ bản năng.
Nghĩa là đứng trước một vấn đề, người kiên định sẽ nhìn thấy thỏ, nhưng sau đó họ thấy thêm vịt. Sau khi cân nhắc, họ có thể lựa chọn thỏ hoặc vịt bất kể thứ tự mà họ nhìn thấy chúng.
Còn người bảo thủ chỉ nhìn thấy thỏ hoặc thấy vịt ngay từ ban đầu, và rồi họ bị dính chặt vào khía cạnh đó của vấn đề, không quan tâm và phủ nhận các khía cạnh khác dù có nhận ra chúng.
Theo tâm lý học, những người bảo thủ thường phát triển tính cách của họ dựa trên 2 nguyên lý cơ bản của hành vi con người: Chúng ta muốn có được phần thưởng và muốn tránh sự đau đớn.
Ví dụ, một đứa trẻ có thể bướng bỉnh (một mầm mống của sự bảo thủ) vì nó biết khi nó cố đòi một món đồ chơi nào đó bằng được, cha mẹ sẽ mua cho nó. Đứa trẻ sử dụng sự bướng bỉnh như một công cụ để đạt được thứ mà nó muốn.
Tương tự với một người lớn bảo thủ, phần thưởng mà anh ta nhận được có thể là sự áp đặt lên người khác, được làm những gì mình muốn, cảm giác chiến thắng trong cuộc tranh luận, hoặc cảm giác mình phải được tôn trọng.
Ngược lại, nếu người bảo thủ bị tấn công bởi các ý kiến trái chiều, họ sẽ cảm thấy bị đe dọa. Bởi tính bảo thủ được xây dựng từ khi còn nhỏ, những người này có thể đã gắn chặt với niềm tin, quan điểm, ý tưởng và thị hiếu của chính mình.
Nếu có ai không đồng ý với ý kiến của họ, người bảo thủ có thể nghĩ rằng họ đang phủ nhận cả con người mình. Vì vậy, kiên quyết bảo vệ ý kiến ban đầu của mình có thể coi là một liều thuốc giảm đau của người bảo thủ. Họ không muốn bị mất mặt, hay bị phủ nhận giá trị sống.
Cho nên, một trong những mẹo kinh điển để thuyết phục người bảo thủ là bạn phải để cho họ có cảm giác chiến thắng. Nếu người bảo thủ nhìn thấy con thỏ và bạn muốn họ nhìn thấy vịt, bạn không nên nói họ đã sai, mà hãy làm cách nào đó để họ tự nhìn thấy con vịt và coi đó là phát hiện của chính họ chứ không phải của bạn.
Nhưng bên dưới những nền tảng tâm lý, khoa học thần kinh chỉ ra những quá trình phức tạp hơn nhiều sẽ xảy ra trong đầu của người bảo thủ, mà có thể là tất cả chúng ta. Nó khiến đôi khi những người bảo thủ có thể giữ ý kiến của mình ngay cả khi họ đau đớn và chẳng nhận được phần thưởng nào cả, ngoài sự chiến thắng mà họ tự lừa dối mình.
Não bộ chỉ thấy những gì bạn muốn thấy
Đây có thể được coi là điểm khởi đầu của một nhận thức khía cạnh đưa người ta đến sự bảo thủ. Não bộ đôi khỉ chỉ thấy những gì bạn muốn thấy. Hiệu ứng này xảy ra một cách chủ động khi bạn muốn tập trung vào mục đích của mình. Chẳng hạn như khi nghe điện thoại, não bộ của bạn sẽ có xu hướng “làm nhỏ” những âm thanh khác trong phòng hoặc ngoài đường.
Khi bạn muốn tìm kiếm một người mặc áo đỏ trong đám đông, não bộ bạn sẽ tự động làm giảm sự chú ý đến những màu vàng, xanh lam, và lá cây và tăng sự chú ý đến những chiếc áo. Nhưng ngược lại, khi xem video TikTok có một cô gái nhảy múa đáng yêu, có thể bạn sẽ chẳng còn chú ý đến áo cô ấy mặc màu gì.
Hiệu ứng chọn lọc của não bộ cũng có thể xảy ra dưới cấp độ vô thức mà bạn không hề biết. Hãy trở lại với ảo giác con ngựa và con thỏ, trước ngày lễ phục sinh, người ta có xu hướng nhìn thấy thỏ hơn vì thỏ là biểu tượng của lễ phục sinh. Ngược lại, vào một ngày tháng 10, gần với mùa chim di cư và mùa vịt sinh sản, họ thường nhìn thấy vịt.
Xu hướng chọn lọc này đã được nhúng trong não bộ chúng ta từ quá trình tiến hóa. Nó thực chất là một cơ chế sinh tồn.
Giả sử bạn là một con thú đang trốn chạy kẻ săn mồi trong rừng, bất cứ một ngọn cỏ động đậy nào cũng trở nên quan trọng với bạn hơn là cả nền rừng xanh thẳm. Một con chim ưng biển có thể nhìn thấy một con cá hồi nhỏ dưới nước, bởi não bộ nó bỏ qua những chuyển động của sóng biển xung quanh.
Thế giới của chúng ta – suy cho cùng – cũng là một ảo giác thỏ và vịt khổng lồ.
Như vậy, thế giới của chúng ta – suy cho cùng – cũng là một ảo giác thỏ và vịt khổng lồ. Là một sinh vật, chúng ta cũng chỉ nhận thức được từng khía cạnh một của vấn đề. Điều này được chứng minh bằng một thí nghiệm năm 2014, được thực hiện bởi một nhóm các nhà tâm lý học đến từ Đại học New York:
Họ tuyển một nhóm tình nguyện viên và chia những người này thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người đồng cảm mạnh mẽ với cảnh sát (có thể có người thân làm cảnh sát hoặc có lý do đặc biệt hơn để ủng hộ họ). Còn nhóm hai là những người ít đồng cảm với cảnh sát hơn.
Cả hai nhóm sau đó được chiếu cho xem 1 video quay lại cảnh một viên cảnh sát đang cố trấn áp và còng tay một thường dân. Câu hỏi đặt ra cho hai nhóm là: Liệu viên cảnh sát có hành vi vượt quá mức cho phép với thường dân này hay không?
Trong suốt quá trình xem video, các nhà tâm lý học đã bí mật dùng camera theo dõi ánh mắt của các tình nguyện viên. Họ phát hiện thấy ngay cả những ít đồng cảm với cảnh sát cũng ủng hộ hành vi trấn áp tội phạm so với những người đồng cảm hơn.
Chỉ trừ một trường hợp: Khi những người ít đồng cảm nhìn quá nhiều vào viên cảnh sát trong video, họ thường có xu hướng đánh giá hành vi của cảnh sát là quá bạo lực và yêu cầu phải trừng phạt viên cảnh sát này.
Hóa ra, khi ít đồng cảm với viên cảnh sát, những tình nguyện viên có xu hướng quan sát kỹ và soi mói hành vi của anh ta nhiều hơn. Họ cảm thấy viên cảnh sát không thuộc về phe mình và họ đang bị nhận thức khía cạnh chi phối một chiều.
Còn hơn thế, não bộ sẽ thuyết phục bạn thấy những gì nó muốn bạn phải thấy
Mô hình của thiên kiến xác nhận.
Mọi chuyện thực sự chưa dừng lại, bộ não không chỉ khiến bạn nhìn thấy điều mà bạn muốn thấy, nó còn thuyết phục bạn chỉ thấy những gì bạn muốn thấy. Các nhà khoa học gọi hiệu ứng này là “thiên kiến xác nhận”.
Được định nghĩa lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Anh Peter Wason, thiên kiến xác nhận là xu hướng mà mọi người luôn tìm kiếm, ưu tiên các thông tin xác nhận hoặc củng cố niềm tin, giá trị ban đầu của họ và bỏ qua tất cả các thông tin trái ngược.
Ai cũng có thể rơi vào thiên kiến xác nhận, nhưng những người bảo thủ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi lỗi nhận thức này.
Một ví dụ kinh điển cho hiện tượng này là những người chống vắc-xin, họ thường hay viện dẫn những bằng chứng thiếu khoa học về độ an toàn của vắc-xin và chỉ nhìn vào các sự cố vắc-xin trong quá khứ để bảo lưu quan điểm của mình.
Những người chống vắc-xin không bao giờ nhìn vào bức tranh tổng thể để thấy thành tựu mà vắc-xin đem lại. Họ sẽ chộp lấy bất cứ trường hợp tử vong do tiêm vắc-xin nào để nói vắc-xin không an toàn cho toàn dân.
Một ví dụ khác về những bà vợ cho rằng chồng nên rửa bát để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trước đây, họ thường lấy ví dụ về cuộc sống hôn nhân của tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos ra để chứng minh cho luận điểm của mình. Nhưng sau khi cả Bill Gates và Jeff Bezos đều ly hôn, đến lượt những ông chồng không thích rửa bát lấy chính ví dụ đó ra để phản bác lại.
Thiên kiến xác nhận vì vậy không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm các thông tin ủng hộ ý tưởng hay kết luận ban đầu của bạn, mà nó còn có xu hướng thao túng bạn, khiến bạn giải thích thông tin đó theo hướng có lợi cho ý tưởng ban đầu của mình.
Bạn thấy ngựa hay hải cẩu?
Quay trở lại với thỏ và vịt. Vào khoảng những năm 2010, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học New York đã sử dụng một phiên bản khác của ảo giác này được gọi là ngựa và hải cẩu để làm một thí nghiệm.
Họ đưa ra một loạt các hình ảnh và yêu cầu tình nguyện viên làm một nhiệm vụ đơn giản là phân loại chúng là động vật trang trại hay động vật biển. Chẳng hạn như khi một con cua hiện lên, bạn sẽ phải nhấn chuột vào “ô động vật biển” trên màn hình. Ngược lại với một con bò, bạn nhấn vào “ô động vật trang trại”.
Với mỗi một câu trả lời đúng, tình nguyện viên được cộng 1 điểm, sai bị trừ 1 điểm. Kết thúc thí nghiệm, người nào có điểm dương sẽ được ăn kẹo ngọt, còn người nào có điểm âm sẽ phải ăn đậu đóng hộp (một món khó ăn).
Các nhà nghiên cứu đã bí mật phát ra 2 bài kiểm tra khác nhau, một bài gồm nhiều động vật trang trại, nghĩa là tình nguyện viên thấy mình được cộng điểm nhiều hơn khi nhấn vào động vật trang trại. Bài kiểm tra ngược lại chứa nhiều động vật biển.
Ảo giác ngựa và hải cẩu được đưa ra cuối cùng, nó cho thấy những tình nguyện viên làm bài kiểm tra thứ nhất có xu hướng chọn đó là ngựa hơn, trong khi những người làm bài kiểm tra số 2 có xu hướng chọn đó là hải cẩu.
Tuy nhiên cũng giống như thí nghiệm cảnh sát và thường dân, các nhà khoa học đã bí mật đặt camera theo dõi mắt tình nguyện viên và phát hiện một số người ban đầu nhìn vào “ô động vật biển” lâu hơn, nghĩa là họ nhìn thấy hải cẩu nhưng vẫn chọn nhấn vào “ô động vật trang trại”. Hiệu ứng ngược lại xảy ra với những người nhìn thấy ngựa nhưng lại chọn hải cẩu.
Điều thú vị nhất là sau khi các nhà khoa học nói một lỗi máy tính đã xảy ra và lẽ ra những người này phải chọn ngược lại so với lựa chọn của họ mới đúng, tất cả các tình nguyện viên đã lựa chọn gian dối vẫn mắc kẹt với lựa chọn của họ. Nghĩa là họ sẽ tìm đủ mọi cách để diễn giải lựa chọn của mình là đúng.
Vậy để thấy, bên trong não bộ của chúng ta đều ẩn chứa các cơ chế thần kinh và tâm lý học rất tinh vi. Chúng có khả năng thao túng nhận thức khách quan của chúng ta và đôi khi biến chúng ta thành một kẻ bảo thủ lúc nào không hay.
Điều quan trọng nhất nếu bạn không muốn biến mình thành một người cố chấp, là bạn cần phải nhận ra chúng. Hãy thử lắng nghe tất cả những ý kiến, thử đặt mình vào một góc nhìn khác để nhìn nhận một vấn đề. Hãy sử dụng tư duy phản biện, phản biện chính bản thân mình để chống lại thiên kiến xác nhận.
Như đã nói, một người kiên định khác người bảo thủ ở chỗ họ cởi mở với tất cả các khả năng, tất cả ý kiến dù chúng có chống lại mình, sau đó mới ra quyết định. Và người kiên định có thể sẵn sàng thừa nhận mình đã sai.
Người kiên định vì vậy đã rèn luyện được tính cách của mình thông qua một ý chí mạnh mẽ. Còn người bảo thủ chỉ đang yếu đuối để bám lấy lựa chọn duy nhất của mình. Thay vì phóng mắt và tìm một con đường khác để đi, người bảo thủ lại chọn đào sâu cái hố mà họ đang rơi vào.
Theo Thanh Long | Trí thức trẻ