Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Monday, 25/11/24

[Phát triển văn hóa đọc tại Phenikaa School] Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: ‘Thư viện là trái tim của trường học’

Chương trình diễn ra trong hai tiết học, online đối với học sinh Tiểu học và đối với học sinh khối Trung học là kết hợp hai hình thức: offline đảm bảo nguyên tắc 5K đối với học sinh đến trường học trực tiếp, học sinh đang học online vẫn theo dõi chương trình và giao lưu với diễn giả từ đầu cầu thư viện trường Tiểu học.

Với gần 10 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, diễn giả Quốc Vương đã có những chia sẻ rất bổ ích, thiết thực về sự khác biệt về văn hóa đọc sách tại Nhật Bản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự ủng hộ, đồng tình và tạo mọi điều kiện từ Nhà trường cho đến việc chính phủ Nhật Bản còn ban hành các điều luật liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc cho người dân nói chung và đặc biệt là học sinh nói riêng. Ví dụ như ở Nhật có một ngày lễ được đặt ra nhằm khuyến khích thói quen đọc sách, đó là “Ngày trẻ em đọc sách” được quy định là ngày 23 tháng 4 hàng năm.

“Ngày trẻ em đọc sách” ở Nhật Bản được chính thức quy định trong Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, được công bố và thực thi từ 12/12/2001.

Những hoạt động khuyến khích trẻ em đọc sách ở Nhật không chỉ diễn ra ở tầm vĩ mô mà thể hiện ngày ở phạm vi nhỏ trong từng gia đình, trường học và các địa phương. Hệ thống thư viện của các trường đại học và thư viện công lập luôn mở rộng cửa, thậm chí xuyên đêm cho người dân tới đọc. Đọc sách trở thành một thói quen, một nhu cầu bình thường như nhu cầu ăn, mặc, đi lại trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng khó khi chúng ta bắt gặp hình ảnh người Nhật đọc sách trên xe bus hay đi đâu cũng luôn có thói quen mang theo một cuốn sách…

Những trải nghiệm chân thực và sâu sắc khi sinh sống tại đất nước mặt trời mọc đã nuôi dưỡng trong diễn giả Nguyễn Quốc Vương tình yêu lớn lao với sách và mong muốn được lan tỏa, nhân rộng tình yêu này đến các thế hệ học sinh.

Diễn giả cũng đã chia sẻ những bí quyết nhỏ nhưng có võ giúp ba mẹ có thể đồng hành cùng con nuôi dưỡng tình yêu với sách như việc phân chia thời gian để mỗi ngày đều có ít nhất khoảng 15 phút đọc sách cho con nghe hoặc cùng con đọc sách, tuyệt đối tránh việc nhắc nhở con nên đọc sách trong khi bản thân cả năm không đọc hết một cuốn sách hoặc đơn giản như dúi cho con cuốn sách hay nhưng ba mẹ lại cầm điện thoại lướt web, xem tivi ở bên ngoài…

Thầy cũng cho hay ở lứa tuổi tiểu học, khả năng lĩnh hội của con là rất lớn. Tiểu học tựa như xây ngôi nhà, xây từ sớm càng chắc càng tốt, bởi vậy, để xây dựng cho con tình yêu với sách, ba mẹ cần tạo thói quen và môi trường từ sớm. Trẻ sẽ đọc và tiếp cận từ các sách tranh, ảnh ít chữ cho đến các truyện nhiều chữ hơn.

Thầy cũng nhấn mạnh giai đoạn từ 0-6 tuổi cực kỳ quan trọng rèn cho trẻ niềm yêu thích với sách, nhưng vì nhiều lý do nên người Việt chúng ta thường bỏ qua.

Hãy khéo léo rèn cho trẻ thói quen đọc sách để giải trí, đọc sách bất kể thời gian nào khi con rảnh rỗi chứ không phải là mượn ipad hay điện thoại, hoặc chỉ khi trẻ nhìn vào màn hình điện thoại, tivi mới có hứng thú…

Bên cạnh đó, diễn giả cũng nhấn mạnh sự đồng hành và vai trò quan trọng của Nhà trường và của mỗi thầy cô giáo trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong mỗi học sinh.

Đối với khối Trung học, diễn giả đã đưa ra những con số thống kê: mỗi học sinh Nhật Bản ở mọi lứa tuổi đọc từ 12-15 cuốn sách mỗi năm và hệ thống quản lý thư viện ở Nhật đều quản lý bằng mã vạch, hiện đại và tiện lợi. Trong khi đó, ở nước ta, con số thống kê đầu sách học sinh Trung học đọc mỗi năm chỉ bằng 1/12 con số từ học sinh Nhật Bản, thậm chí có cả những sinh viên chia sẻ suốt 4 năm Đại học không đọc một cuốn sách nào hoàn thiện trừ sách giáo trình, giáo khoa…

Cũng như khối Tiểu học, đối với học sinh Trung học, diễn giả cũng nhấn mạnh việc ba mẹ và những người thân hãy luôn làm gương cho các em trong việc đọc sách và ghi chép, viết blog… Ba mẹ có thể cho con dùng thiết bị điện tử nhưng luôn đi kèm với bản cam kết ngay từ đầu: về thời gian con dùng/ngày, mục đích con dùng để làm gì… giúp các em sống có kỷ luật với bản thân ngay từ nhỏ. Chẳng hạn con được dùng ipad với 2 giờ học tiếng Anh/ngày, 15 phút xem phim hoạt hình, 5-10 phút nghe nhạc của con…

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách và biến kiến thức lĩnh hội được vào việc viết lách. Bởi thực tế rất nhiều học sinh có niềm yêu thích và dành thời gian đọc sách, nghiên cứu và viết blog từ những năm tháng sinh viên. Thói quen này không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn là cơ hội để các em xin việc dễ dàng sau khi ra trường với nhiều nhà tuyển dụng, đặc biệt với những trang blog nội dung phong phú, sâu sắc và lượt follow lớn…

Diễn giả cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào đội ngũ thầy cô và tin tưởng Phenikaa School sẽ là ngôi trường truyền cảm hứng học tập, sáng tạo và phát triển văn hóa đọc cho các thế hệ học sinh. Với diễn giả, Thư viện là trái tim của trường học và thầy nhận thấy điều này khi thư viện tại Tiểu học và Trung học Phenikaa được đầu tư hiện đại với không gian mở, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên với hàng nghìn đầu sách khác nhau ở tất cả lĩnh vực…

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH]GÓC KHUẤT CỦA YÊU THƯƠNG – CHOI KWANGHUYN
Trên đời này, điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất chính là tình yêu, nhưng cũng chính tình yêu mới…
Trường Đại học Phenikaa tri ân người dẫn lối
Hòa trong không khí trang nghiêm của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Phenikaa đã long trọng…
Bùng nổ sắc màu nghệ thuật tại Hội diễn văn nghệ Trường Đại học Phenikaa
Hội diễn văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa