- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Huế là mảnh đất anh em chúng tôi sinh ra, rồi lại là nơi chúng tôi lựa chọn để an cư lạc nghiệp. Tại mảnh đất thơ mộng và trữ tình này, chúng tôi có cơ hội được làm việc và gắn bó với những con người cũng đầy chất “tình” không kém – những đồng nghiệp trong Phenikaa Huế.
Nhân một ngày thứ sáu đẹp trời, cầm trên tay tách trà sen đậm phong vị Huế, chúng tôi cùng nhau trò chuyện, nhớ lại những câu chuyện mà chỉ ở Phenikaa Huế mới có!
Chuyện mùa chống lũ
(Qua lời kể của chị Trần Thị Đoan Trinh – Phòng Kinh doanh)
Nếu thời tiết Bắc Bộ trải dài với 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông thì tại Huế chỉ có nắng và mưa là 2 mùa rõ rệt. Tháng 9, khi Thủ đô bắt đầu bước vào trời Thu lá vàng nhẹ bay, hương hoa sữa hòa tan vào sương sớm và hạt cốm xanh ngậm sữa thơm dịu lòng người, thì người dân Huế lại tất bật chuẩn bị cho mái ấm của mình bằng những bao cát xanh đỏ chèn trên mái nhà, bằng những sợi dây thép gia cố lại từng viên ngói nhỏ. Bởi lẽ, hơn ai hết, người dân cố đô biết rằng, họ phải chuẩn bị để đối mặt với những cơn bão, mang theo gió, theo mưa, và có thể là những cơn lốc xoáy không hề báo trước.
Giữa tháng 9 năm 2020, cơn bão đầu tiên của năm chính thức ghé thăm Huế. Những thông tin về cơn bão luôn được bộ phận An toàn cập nhật cho cán bộ công nhân viên nhà máy trước khi bão đến . Mọi vấn đề trong công tác phòng chống bão lụt được lên kế hoạch rõ ràng, anh chị em chúng tôi cũng sẵn sàng với một tinh thần kiên định “Phenikaa Huế chung tay đoàn kết chống bão”.
Tôi vẫn nhớ ngày bão về, chúng tôi đi làm như những “chiến sĩ chống bão” thực thụ. Sáng sớm, bầu trời không mang màu trong xanh như đã từng, không còn những tia nắng nhảy nhót trên tay tôi như thường lệ, thay vào đó là tiếng gió rít lên từng cơn – dấu hiệu của một cơn bão rất lớn.
Xe ca vẫn luôn đúng giờ chở chúng tôi đến Nhà máy. Xe di chuyển, trời cũng bắt đầu đổ mưa. Mưa mỗi lúc lại càng thêm nặng hạt. Tiếng mưa rơi hòa cùng tiếng gió rít gào bên ngoài, khung cảnh dần trở nên dữ dội. Đội phòng chống bão lụt chia nhau ra làm việc như kế hoạch đã vạch sẵn. Tất cả các cửa chính, cửa sổ đều được đóng chặt và cài then cẩn thận. Bên ngoài, những hàng phi lao oằn người trong gió mạnh, các chậu cây cảnh xanh mướt tràn đầy sức sống ngày nào nay phải gánh gồng áp lực của gió, của thời tiết khắc nghiệt.
Các anh em với trọng trách “trụ cột về cả thể chất lẫn tinh thần” của Phenikaa Huế lúc này ứng biến linh hoạt nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Khi phát hiện sự cố mất điện trên toàn t ỉnh, phương án chạy máy phát điện ngay lập tức được triển khai để đảm bảo năng suất hoạt động của Nhà máy. Giữa cơn mưa nặng hạt, gió bão thét gào, các anh chị em vẫn giữ trên môi nụ cười lạc quan cùng tinh thần chung tay bảo vệ nhà máy Phenikaa, “vì đây là ngôi nhà thứ hai của tất cả chúng ta!”
Cơn bão đến và đi trong vòng một tiếng đồng hồ nhưng những hậu quả để lại đánh đổi bằng sự lao động của biết bao người dân xứ Huế: hơn 15.000 cây cổ thụ bị gãy đổ, toàn tỉnh mất điện 2-3 ngày liên tiếp và vô vàn thiệt hại không thể kể xiết. Khó khăn là thế, vất vả là vậy, nhưng tại nơi đây – Phenikaa Huế vẫn vững chãi, hiên ngang nhờ sự đoàn kết và chung tay góp sức của toàn thể anh em cán bộ công nhân viên. Những ngày khắc phục sự cố sau bão, mỗi người một việc, người này mệt quá sẽ có người khác hỗ trợ. Bữa cơm trưa tại căn bếp quen thuộc ngày hôm ấy dường như ngon hơn, ấm áp hơn thường ngày.
Vẫn biết cuộc sống không tĩnh lặng và bão táp khó lòng lường trước, nhưng tôi tin rằng rất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn thái độ trước mọi cơn bão mà cuộc đời mang lại; như cách chiến đấu dũng cảm của người dân miền Trung khi tai ương ập đến, như cách mà người Phenikaa đồng lòng cùng nhau chống lũ, chẳng màng khó khăn, vì một gia đình thứ hai mang tên Phenikaa Huế.
Câu chuyện về chiếc ví bị mất
(Qua lời kể của anh Hồ Văn Thông – Phân xưởng Sản xuất)
Ngày đầu tiên tôi bước chân vào Phenikaa Huế là một ngày giữa tháng 8 năm 2018. Tôi vẫn nhớ, đó là một ngày đẹp trời.
Tại đây, tôi cùng các thành viên mới được anh quản lí dẫn đi tham quan và giới thiệu tổng quan về Nhà máy. Nhà máy Phenikaa Huế ngày ấy còn đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để đi vào hoạt động. Đến giữa trưa, anh quản lí hướng dẫn chúng tôi tới địa điểm ăn cơm trưa để đầu giờ chiều quay lại phòng học tiếp. Theo dòng người đổ về căn tin, tôi cũng tự lấy cho mình một phần cơm ngon lành. Ngay lúc này, linh tính mách bảo tôi đã quên một điều gì đó, và quả thật chiếc ví vốn nằm gọn gàng trong túi quần đã không cánh mà bay. Chẳng chần chừ, tôi gửi lại khay cơm cho các chị nhà bếp, vừa đi vừa cố nhớ lại mình đã đi qua những con đường nào, gặp những ai?
Càng đi, càng không thấy bóng dáng vuông vức nho nhỏ quen thuộc của chiếc ví. Tôi chột dạ nghĩ: “Bị rơi ở nơi đông người thế này, mất ví là cái chắc rồi”. Nỗi lo lắng về khoản tiền kha khá mình đã tiết kiệm và một số giấy tờ quan trọng không dễ làm lại được cứ lớn dần trong tôi. Anh quản lí thấy có gì không ổn nên từ đằng sau bước đến vỗ vai tôi hỏi: “Có chuyện gì thế em?”
Tôi rụt rè kể lại chuyện mất ví của mình. Có lẽ do sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt “mất của” của tôi, nên anh liền mang đến tin vui: “Cái ví của chú được một nhân viên trong Công ty nhặt được và nộp lại rồi. Nó đang ở trong phòng G iám đốc, em lên đó đọc số chứng minh rồi nhận về nhé!”
Tôi mừng rỡ bước vội về phòng Giám đốc “xác minh” danh tính của chiếc ví và không quên ngoái đầu cảm ơn anh. Thật may mắn, đúng là nó rồi! Tôi cảm ơn Giám đốc rồi vội tìm lại anh quản lí để cảm ơn anh lần nữa. Với tính cách vui vẻ và cởi mở, anh vỗ vai và nói với tôi: “Nếu gặp vấn đề gì, em cứ chia sẻ thẳng thắn với anh, với quản lí, với mọi người. Trong khả năng làm được, mọi người đều sẽ giúp đỡ em hết mình. Ở Phenikaa, em cứ an tâm vì mọi người đều coi nhau như người nhà”.
Có lẽ nhờ kỉ niệm ngày đầu vô cùng ấn tượng ấy mà tôi đã trót phải lòng Phenikaa Huế từ lúc nào không hay. Càng làm việc, càng gắn bó với đồng nghiệp nơi đây, tôi càng hiểu văn hóa “Đáng tin cậy”ở Phenikaa.
*****
Biết đến Phenikaa, trở thành “người một nhà”, cùng trải qua những kỉ niệm và viết lên câu chuyện về những năm tháng không thể quên, ở Huế, chúng tôi gọi đó là mối “duyên”!
Và như một lẽ tự nhiên, Phenikaa chính là ông tơ bà nguyệt se cho mối duyên đó, thêm phần thấm đượm và sâu sắc!