- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID -19) diễn biến phức tạp, bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID – 19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Bên cạnh đó, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ, thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh.
Sau đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, từ đó phòng chống bệnh COVID-19.
Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hàng ngày
Nhiều người Việt có thói quen duy trì 03 bữa chính trong ngày (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối). Tuy nhiên, một số người còn bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Những thói quen này khiến cho tổng năng lượng qua bữa ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần đảm bảo không bỏ bữa, ăn đủ 03 bữa chính và lưu ý ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy). Trong đó lưu ý việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong các bữa ăn hàng ngày.
Bổ sung thêm tỏi, hành và hẹ
Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên – vũ khí hữu hiệu chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm và viêm đường hô hấp; chữa tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư… Tỏi có chứa nhiều iod và tinh dầu (giàu glucogen và chất kháng sinh allicin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm). Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrat cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng. Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi. Nên ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc chế biến thành dấm tỏi, rượu tỏi…
Bên cạnh đó, hành và hẹ đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng cách tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Tương tự, hành tây có đặc tính làm tăng số lượng bạch cầu, rất cần thiết trong việc chống lại mầm bệnh.
Bổ sung vitamin C
Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh,… là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.
Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả
Rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Mặc dù không mang lại lợi ích ngay lập tức, rau xanh, hoa quả vẫn có đặc tính kháng virus giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật.
Sữa chua nguyên chất
Ăn sữa chua không chỉ giúp bạn có thân hình cân đối mà còn giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các virus. Thực phẩm lên men như sữa chua đã được chứng minh là thúc đẩy hoạt động của các kháng khuẩn trong cơ thể. Nên chọn loại sữa chua không đường, hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm lên men tự nhiên khác như kim chi, dưa cải muối…
Hạn chế tối đa bia rượu, tiệc tùng, tránh tụ tập đông người
Bia rượu không chỉ không tốt cho hệ thần kinh cũng như gan, dạ dày của chúng ta mà nếu sử dụng nhiều còn làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, bạn tuyệt đối tránh tụ tập đông người hoặc đến nơi đông người – Đây cũng là biện pháp được khuyến cáo nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID – 19 truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm.
(Tổng hợp theo Sức khỏe & Đời sống)