Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 26/11/24

3 Lầm tưởng về late bloomers: Hiểu đúng để vượt qua áp lực thành công sớm

Khi nhắc đến late bloomers (những người thành công muộn), bạn sẽ nghĩ đến ai? Những câu chuyện truyền cảm hứng đã quá nổi tiếng như Vera Wang vì không tìm được chiếc váy cưới ưng ý nên tự thiết kế và mở ra thương hiệu riêng vào năm 40 tuổi. Hay Colonel Sanders – người tạo nên KFC, ở tuổi ngoài 60 khi mọi người bước vào giai đoạn nghỉ hưu thì ông mới bắt đầu tạo dựng nên cột mốc ấn tượng nhất trong sự nghiệp.

Ở Việt Nam thời gian gần đây cũng chứng kiến hiệu ứng truyền thông bùng nổ của những anh tài ở độ tuổi 30, 40 thậm chí 50 trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Có những người đã đi qua thời hoàng kim, có người vẫn đang ở giai đoạn nổi tiếng, có người đã chật vật nhiều năm giờ đang tìm một dấu ấn đột phá cho hành trình làm nghề của mình.

Dàn thí sinh của chương trình đã đem đến một bức tranh rất đa sắc về câu chuyện của sự thành công. Qua đó đặt ra nhiều góc nhìn đáng suy ngẫm về late bloomers. Vậy nên, bài viết này sẽ nhìn nhận lại ba lầm tưởng hay có về late bloomers với hy vọng đem đến cho bạn cách nhìn nhận đa chiều hơn về thành công và có thể tự tin hơn vào bản thân mình.

Thành công (muộn) chắc chắn là nhờ không bao giờ bỏ cuộc?

“Hãy nỗ lực hết mình và đừng bao giờ bỏ cuộc” – có thể đó là lời khuyên bạn hay nghe nếu muốn đạt được thành công. Câu chuyện về sự kiên trì của những người nổi tiếng thành công muộn lại càng củng cố mạnh mẽ hơn cho lời khuyên này.

Mặc dù “không bao giờ từ bỏ” đúng là một con đường đi tới thành công. Nhưng tạm thời gác lại mong ước và rồi quay trở lại theo đuổi cũng vẫn là một con đường đi được tới thành công.

Như Audrey Sutherland – mẹ đơn thân có bốn người con và một mức lương tối thiểu. Sau nhiều năm nuôi dưỡng bố mẹ già và con của mình, mãi đến năm 60 tuổi, bà mới có cơ hội chính thức theo đuổi ước mơ. Bà đã tự chèo thuyền đến những vùng biển lạnh nhất và xuất bản quyển sách kể về hành trình của mình.

alt
Nguồn: experiencelife.lifetime.life

Hay một câu chuyện chẳng phải từ người nổi tiếng đã được chia sẻ với tác giả bài viết. Chị H. (36 tuổi) đã tạm dừng công việc được coi là mơ ước của nhiều người để làm mẹ:

“Từ lúc đưa ra quyết định tạm dừng tới khi quay trở lại với thị trường lao động, chị nhận không ít lời đánh giá, chê cười nhưng bản thân chưa bao giờ hối hận. Trở thành một người mẹ đã cho chị cái cảm giác muốn phấn đấu nhiều hơn, và dạy chị bài học về sự kiên nhẫn giúp chị làm việc thậm chí tốt hơn cả ngày xưa”.

Vậy nên, “không từ bỏ” đâu phải lúc nào cũng là lựa chọn duy nhất. Như trong hai câu chuyện kể trên, hai người phụ nữ có đam mê riêng nhưng chọn ưu tiên việc làm mẹ hơn trong một khoảng thời gian. Việc này tưởng chừng giống như họ đã hoàn toàn từ bỏ và thất bại với ước mơ của mình.

Nhưng đó chỉ là sự thay đổi linh động trong cuộc sống, mỗi giai đoạn sẽ ưu tiên cho mục tiêu khác nhau. Quan trọng là đến khi điều kiện cho phép, họ vẫn sẵn sàng chớp lấy cơ hội một lần nữa để lại hết mình với đam mê.

Bông hoa phải nở mới đáng khen – Chúng ta phải giàu mới là thành công?

Những trường hợp thành công muộn luôn xứng đáng là những câu chuyện truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực để chúng ta cố gắng tiến về phía ước mơ của mình. Tuy nhiên, nó cũng có thể dễ gây ra một cách hiểu khác rằng: sớm hay muộn đều không quan trọng, quan trọng là phải thành công thì mới được ngợi ca.

Và thậm chí thành công ở đây được mặc định hiểu là bạn cần phải có nhiều tiền, có nhà, có xe, có sự nghiệp thành danh. Với các bảng xếp hạng như Forbes under 30, MIT innovators under 35, hay câu nói truyền động lực nổi tiếng “hãy thành công nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ”…, tất cả đã vô hình chung xây nên một khuôn mẫu khá cứng nhắc về khái niệm thành công và độ tuổi kỳ vọng chúng ta phải thành công.

Trước hết bàn về thời gian, độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ ấn định ở mốc 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 đối với nữ vào năm 2035. Tức là khi 30 tuổi bạn mới đi qua cỡ 1/5 hành trình sự nghiệp. Rõ ràng đây vẫn đang là đoạn khởi đầu, nếu bạn chưa có thành tựu lớn thì điều này vẫn hoàn toàn bình thường.

Tiếp đến là tiêu chuẩn có nhà, có xe, theo tờ Fortune, nhiều GenZ chia sẻ rằng họ có thể sẽ “già trước khi giàu”, dù có làm việc hơn 10 tiếng/ngày cũng khó có thể mua được nhà. Trong một series trên Netflix, cựu tổng thống Barack Obama cũng nói rằng vì vấn đề lạm phát giá cả, những vật chất thế hệ trước sở hữu như đất đai, nhà cửa… thì tới bây giờ sẽ cần phải bỏ ra một số tiền gấp đôi, gấp ba để mua được.

Vì vậy, việc giàu theo kiểu truyền thống đang đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn. Thế nên, cột mốc 30 tuổi có nhà, có xe không phải một kỳ vọng thực sự hợp tình hợp lý sau khi xem xét các yếu tố xung quanh, thậm chí là cả yếu tố nội tại khi mà định nghĩa về thành công của mỗi cá nhân cũng đang dần thay đổi.

@eric.thorMình thật sự rất ghét tuổi 30. Năm nay mình 28 tuổi 3 tháng, mình cảm giác tuổi 30 là 1 cái deadline mà ai cũng phải thành công, trong đó có mình. Điều này thật sự rất vô lý. Đầu năm nay mình về quê ăn tết, mình nói về chuyện đi học thạc sĩ ở Taiwan, bố mình hỏi: “con cũng gần 30 rồi, con cứ học mãi như thế, bao giờ con mới thành công? Con không lo làm ăn mà cứ thích học, bao giờ con mới giàu và lo được cho gia đình mình?” Câu nói này thật sự ám ảnh mình rất nhiều, từ hơi thở cho đến giấc ngủ cả gần năm nay. Mình hoàn toàn tự hiểu mỗi người có 1 quỹ đạo riêng để đi đến đích, và thành công không phải được định nghĩa bằng việc trở lên giàu có bằng vật chất. Thành công có thể là trở thành giáo viên (không giàu) nhưng đào tạo ra 1 thế hệ tương lai thay đổi đất nước, thành công có thể là đi làm nuôi sống bản thân và có work life balance. Thành công có thể đến từ việc làm công tác xã hội và thay đổi cuộc sống của nhóm người yếu thế. Có rất nhiều cách định nghĩa thành công, nhưng xã hội kim tiền luôn thích gắn nó với tiền và tài sản. Đặc biệt là thế hệ những người đi trước. Nhưng mình rất ghét việc đến tuổi 30 chúng ta phải có 1 cái gì đó trong tay, phải trở thành 1 ai đó, hay phải chạy đua cho bằng được bạn bè xung quanh. Thật sự con số 30 nó làm mình áp lực kinh khủng và mình ghét nó kinh khủng. Mình muốn thành công bằng cách đi làm kiếm tiền nuôi bản thân, chia sẻ kiến thức cho thế hệ sau, tạo ra thêm việc làm cho thị trường làm việc qua công ty mini của mình… Mình hi vọng rằng thế hệ sau này sẽ ko phải chịu cái áp lực về deadline 30 tương tự. Mình luôn tin là mỗi người có 1 chặng đường để thành công riêng, bao nhiêu tuổi đến đích cũng được, và định nghĩa thành công như thế nào cũng được, miễn là bạn thấy vui và sống hạnh phúc là được. (đừng ôm nợ chạy là ok ha ha).

♬ The Panic Years Truly 20s – trulytwenties_

 

(Eric Thỏ một TikToker chia sẻ nội dung phát triển bản thân, dù đạt được những thành tựu đáng nể ở tuổi 28 anh vẫn không thoát khỏi những áp lực về việc phải giàu có trước tuổi 30.)

Theo Economist, nhiều người trẻ hiện nay mong muốn được làm việc ít hơn để có thể dành thêm thời gian cho gia đình hay theo đuổi đam mê,…. Forbes cũng cho biết ngay cả trong giai đoạn hoàng kim GenZ có nhiều tỷ phú dưới 30 tuổi nhất, con số này vẫn ít hơn một nửa so với các thế hệ trước.

Thế nên, thay vì chỉ chờ đợi đạt đến vạch đích giàu có duy nhất, hãy có thêm nhiều chặng sạc năng lượng và hạnh phúc trên đường đời. Đó có thể là nghỉ hưu sớm để hưởng thụ cùng gia đình, hay làm một công việc mình thích, có một thân thể khỏe mạnh… Cuộc sống có nhiều giá trị để ngợi khen chứ đâu chỉ mỗi giá trị tài sản, phải không?

Cộng Đồng Phòng Vệ HPV & các gánh nặng bệnh tật, nguy cơ ung thư liên quan

Late bloomers là dành cho người “có tuổi”?

Tác giả của quyển sách cùng chủ đề Second act – Henry Oliver đã nhìn nhận về thực trạng hiện nay thế này: Không quan trọng số tuổi của bạn cụ thể là bao nhiêu, chỉ cần bạn đạt đến thành công trễ hơn độ tuổi kỳ vọng vậy thì bạn đã được dán nhãn ‘late bloomers”.

Quả thực thời ngày xưa 30 tuổi mới là tuổi thành gia lập nghiệp, nhưng dần dần 30 tuổi trở thành cột mốc đã phải có sự nghiệp, thành tựu chứ không phải mới bắt đầu đi gây dựng nữa. Rồi đến hiện tại, độ tuổi kỳ vọng thành công còn giảm xuống nhiều hơn nữa.

Khi ngày càng có nhiều người trẻ mới ở tuổi 18 đến hai mươi mấy đã kiếm được nhiều tiền từ kinh doanh online, tiếp thị liên kết, hay thăng tiến nhanh chóng mặt. Nếu vậy thì 20 tuổi còn đang đi học đại học không thu nhập khủng, không chức danh to có thể tính là ‘late bloomers’ được rồi?

alt
Vừng một mặt là bạn trẻ sáng tạo nội dung nổi tiếng, dành học bổng giá trị khủng nhưng mặt khác cũng vẫn là một cô gái ở tuổi đôi mươi với nhiều mông lung về định hướng cuộc sống. | Nguồn: Vừng

Nói vậy để thấy được rằng con số tuổi tác là già hay trẻ, việc thành công sớm hay muộn chỉ là tương đối. Quá trình này của mỗi người sẽ khác nhau vì không ai có chung số năm kinh nghiệm, sở trường, các mối quan hệ cả. Và nhìn theo góc độ này, ai cũng sẽ có những mốc thời gian thành công khác nhau, vì thế không có ai là một bông hoa nở muộn cả.

Hơn nữa việc “nở” đâu chỉ diễn ra một lần. Cho nên chúng ta đừng để bị giới hạn bởi tuổi tác, mình đã quá tuổi để thử điều A hay mình còn quá trẻ để làm điều B. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào tinh thần học hỏi, tìm tòi và sẵn sàng thử thách luôn cần được khuyến khích.

Đừng vì thấy mình mãi chưa tỏa hương mà nản lòng. Cũng đừng vì một lần rực rỡ mà bỏ bê để tàn phai. Thời gian có thể không quay lại và tuổi trẻ sinh học không thắm lại lần hai, nhưng sức trẻ tinh thần để bung tỏa tài năng và thể hiện mình thì luôn còn lần ba, lần bốn… và bao nhiêu tùy bạn.

Kết

Qua những hiểu lầm trên, chúng ta có thể rút ra được một điều rằng những thành tựu, cột mốc đánh dấu sự trưởng thành có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống.

Bạn không cần chạy đua với thời gian hay áp lực xã hội, mà quan trọng hơn là học cách thấu hiểu bản thân, sống đúng với giá trị mình muốn theo đuổi và trân trọng những điều, dù là cơ hội hay thách thức, sẽ diễn ra trên hành trình ấy. Khi đó sẽ chẳng còn mốc đo lường nào để dán nhãn là sớm hay muộn nữa.

 

 

Tác giả: https://vietcetera.com/vn/thong-tin-ca-nhan/hoang-nguyen

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH]GÓC KHUẤT CỦA YÊU THƯƠNG – CHOI KWANGHUYN
Trên đời này, điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất chính là tình yêu, nhưng cũng chính tình yêu mới…
Trường Đại học Phenikaa tri ân người dẫn lối
Hòa trong không khí trang nghiêm của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Phenikaa đã long trọng…
Bùng nổ sắc màu nghệ thuật tại Hội diễn văn nghệ Trường Đại học Phenikaa
Hội diễn văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa