- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Bạn có từng thấy ngỡ ngàng vì cô bạn trầm tính, ít nói, gương mặt thường xuyên không cảm xúc, đúng kiểu tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến nhưng thể loại nhạc yêu thích của cô ấy lại là japanese rock! Hay một đứa bạn sôi nổi, siêu hướng ngoại, trong lòng chắc mẩm nó phải mê EDM xập xình lắm, thế mà hóa ra playlist toàn nhạc jazz với blues.
Chúng ta thường hay có suy đoán rằng người tính cách kiểu A thì sẽ thích thể loại nhạc kiểu B như vậy. Nhưng gu âm nhạc có thực sự phản ánh được tính cách con người một cách xác thực hay không?
Trong một bài báo được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu hơn 36.000 người tham gia trên toàn thế giới đánh giá hơn 104 phong cách âm nhạc khác nhau. Đồng thời, họ cũng điền vào bản trắc nghiệm tính cách Big 5 và cung cấp thông tin về thể loại nhạc yêu thích của mình.
Kết quả thu về đã chỉ ra với từng dòng nhạc nhất định người yêu thích thể loại nhạc đó sẽ có một số nét đặc điểm tính cách thường gặp như sau:
Dù có thể khẳng định rằng tính cách và sở thích âm nhạc thực sự có mối liên hệ với nhau, nhưng chỉ ở một cấp độ nhất định. So với đặc điểm về tính cách, những đặc điểm khác về giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội, nền tảng văn hóa,… được đánh giá có mối liên quan chặt chẽ hơn đến sở thích âm nhạc.
Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy sở thích âm nhạc có thể bắt nguồn từ cảm xúc mà mọi người có được khi nghe nhạc chứ không hẳn vì những đặc điểm của dòng âm nhạc đó như thế nào. Tức là người nghe không quá quan tâm tên thể loại nhạc miễn là nó “khuấy động” được phản ứng bộ não của họ.
Khi xem xét cách âm nhạc hoạt động trong não, các nhà nghiên cứu đề xuất giả thuyết rằng con người sẽ thích các bài nhạc có những khúc chuyển bất ngờ, đôi khi gây ra cảm giác hưng phấn, dễ chịu về thể chất hay thậm chí nổi da gà. Phát hiện này tiếp tục củng cố thêm rằng con người nghe nhạc để có được niềm vui và cảm giác thỏa mãn hơn là nhằm mục đích thể hiện tích cách của mình.
Mặc dù mọi người có thể thích một số dòng nhạc nhất định tại một thời điểm trong đời nhưng sở thích âm nhạc không hẳn cố định mãi mà sẽ thay đổi theo thời gian dựa trên trải nghiệm sống của mỗi người.
Ví dụ khi bạn đang trong một quãng thời gian khó khăn, cách phản ứng của bạn có thể là bị thu hút bởi những bài hát buồn, những dòng nhạc trầm lắng hơn. Bởi bạn mong muốn có những lời ca nói thay tiếng lòng mình, cảm giác như có người bên cạnh đồng cảm và sẻ chia.
Một nghiên cứu về 765 triệu bài hát được nghe trên phạm vi toàn cầu đã tiết lộ sở thích của mọi người có xu hướng thay đổi dựa trên thời gian trong ngày hay môi trường sống. Hầu hết mọi người nghe những thể loại nhạc thư giãn hơn vào ban đêm nhưng chọn dòng nhạc mạnh hơn vào ban ngày.
Hay các bài nhạc được ưa chuộng ở Mỹ Latinh thường tạo ra những cảm giác hưng phấn nhanh chóng về cả thể chất và cảm xúc. Trong khi dòng nhạc yêu thích ở châu Á lại thường là giai điệu du dương mang cảm giác thư giãn.
Sau tất cả, sở thích âm nhạc cũng giống như những người sở hữu chúng được tạo nên từ một loạt các biến số khó lường. Âm nhạc có thể phản ánh một phần tính cách của chúng ta nhưng không phải là tất cả.
Con người cũng có nhiều cách phản ánh mình thông qua âm nhạc, đôi khi âm nhạc là tấm gương phản chiếu lại những cảm xúc, suy tư của chúng ta, khi khác lại là một lối thoát dùng những giai điệu mãnh liệt đưa mình qua những cảm xúc chưa từng có.
Vì vậy, những câu hỏi về gu âm nhạc nên là một phần khởi đầu để chúng ta gợi mở những cuộc đối thoại sâu sắc và có thể hiểu nhau hơn, chứ không nên là định kiến áp xuống mặc định cách nhìn của chúng ta về một người.