- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Dù phải trải qua tuổi thơ khó khăn nhưng những nữ doanh nhân gốc Việt này đã gây dựng riêng cho mình những “đế chế” trị giá hàng chục triệu, thậm chí cả tỷ USD nơi đất khách quê người.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ngay khi tốt nghiệp trung học, Jenny Tạ đã vạch rõ con đường tương lai của mình: Trở thành một doanh nhân.
Năm 21 tuổi, với tấm bằng Hệ thống thông tin và tài chính, Jenny Tạ được mời vào làm tại Công ty Chứng khoán Shearson Lehman danh tiếng. Chứng kiến dòng tiền khổng lồ giao dịch tại Phố Wall mỗi ngày, Jenny Tạ khao khát mở một công ty chứng khoán của riêng mình.
Vì thế, bà đã học thêm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, trải nghiệm ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau, và cuối cùng thành lập công ty của riêng mình vào năm 25 tuổi.
Năm 25 tuổi, bà lập Vantage Investments nhưng nhanh chóng thua lỗ, phải vay 100.000 USD của mẹ để vực dậy công ty. Công việc kinh doanh của Jenny Tạ lội ngược dòng chỉ sau 2 tháng, đến năm 1999, bà đủ tiền trả nợ cả gốc lẫn lãi cho mẹ.
Năm 2001, Jenny Tạ bán Vantage Investments, thu về khoản lời hàng triệu USD. 3 năm sau, bà tiếp tục điều hành công ty chứng khoán Titan, chuyên về tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp, và rồi lại bán công ty này với mức giá mà Jenny từng thừa nhận là “không thể chối từ”. Tổng số tài sản ở hai công ty của Jenny Tạ lúc này lên tới 250 triệu USD.
Rời nghiệp chứng khoán, năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt lớn của người phụ nữ nhiều hoài bão khi bà quyết định “dấn thân” vào thị trường mạng xã hội bằng việc thành lập Sqeeqee.com, công ty đầu tiên trên thế giới khai sinh ra khái niệm Social Networthing, một mạng xã hội giúp mọi người kết nối và kiếm lợi nhuận. Giá trị của Sqeeqee hiện ước tính lên tới cả tỷ USD.
Lê Hồ – bà chủ “đế chế rác” trị giá triệu đô ở Australia
Lê Hồ theo cha mẹ tới Úc từ năm 18 tuổi. Là thế hệ thứ hai trong một gia đình nhập cư ở Australia, Lê Hồ gặp không ít khó khăn trong quá trình trưởng thành và hòa nhập xã hội. Tiểu bang South Australia những năm 80 có rất ít người châu Á, vì thế, Lê Hồ luôn phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc tại trường học và nơi sống.
Năm 21 tuổi, cô bắt đầu làm quen với kinh doanh bằng việc thành lập nên một cửa hàng bán lẻ đầu tiên chuyên bán giày cưới và áo cưới, đặt tên là Honey Bee. Chỉ 6 năm sau, từ một cửa hàng ban đầu đến nay Lê Hồ đã phát triển thành 6 cửa hàng bán lẻ.
Vào năm 2010, nữ doanh nhân trẻ tuổi đã ra một quyết định giúp cô đổi đời khi quyết định tiếp quản công ty quản lý chất thải Capital City Waste Services đang thua lỗ có trụ sở đặt tại thành phố cảng Sydney. Mặc dù công ty này lúc bấy giờ đã bị thua lỗ gần 20.000 USD/tháng. Cô vẫn đồng ý mua lại với giá 50.000 USD.
Trong năm đầu tiên, cô đã vận hành doanh nghiệp bằng chính chiếc xe tải của mình. Làm việc đến 18 giờ/ngày. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng, cô lái xe đi thu gom rác thải, sau đó cô lại nhanh chóng thay quần áo để tham dự vào các cuộc họp vào buổi tối.
Và những nỗ lực của nữ doanh nhân trẻ đã được đền đáp. Sau 12 tháng đầu tiên, doanh thu của Capital City Waste Services đã tăng gấp đôi. Và quan trọng hơn công ty đã tìm lại được chỗ đứng trong ngành công nghiệp quản lý chất thải. Những năm tiếp theo, Lê Hồ không ngừng mở rộng và phát triển công ty. Chỉ sau 5 năm cô đã thành công trong việc xây dựng doanh nghiệp có giá trị 10 triệu USD.
Năm 2014, Lê Hồ được vinh danh trong top “100 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất” do tạp chí Tài chính Australia và Ngân hàng Westpac bình chọn. Ngoài ra, công ty của cô cũng nhận giải thưởng Ethnic Business Awards.
Năm 2016 cô có tên trong ấn bản Who’s Who of Australian Woman (Những phụ nữ nổi bật của Australia). Năm 2017 cô nhận giải thưởng Người phụ nữ của năm do tạp chí NSW Woman trao tặng.
Diễm Fuggerberger – bà chủ đế chế thực phẩm thành công ở Australia
Năm 2009, công ty của vợ chồng bà bị phá sản và họ mất 27 triệu USD. Ảnh: Coco&Lucas.
Khi mới 7 tuổi, Diem Fuggerberger đã cùng gia đình di cư sang Australia. Hành trình của họ rất nguy hiểm vì tàu chở hơn 500 người gặp cướp biển, cạn kiệt lương thực và suýt lật vì bão. Sau khi thoát nạn trên biển, họ phải sống trên một đảo của Indonesia trong 18 tháng trước khi chính phủ Australia chấp nhận họ.
Tài sản duy nhất mà họ mang tới Australia là quần áo. Không có tiền, chẳng nói nổi một từ tiếng Anh, cuộc sống ban đầu của cô và gia đình khá cơ cực. Dù nghèo, gia đình vẫn cố gắng cho Diễm học hành. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô gặp và kết hôn với Werner Fuggerberger. Họ sinh được 2 người con và Diễm phụ giúp chồng công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cơ đồ trị giá 27 triệu USD của Werner Fuggerberger sụp đổ. Cô và chồng phải bán ngôi nhà nhưng vẫn không thể trả hết khoản nợ khổng lồ.
Vực dậy từ khó khăn, năm 2010, cô thành lập công ty thực phẩm Berger Indgrediens và công ty Coco & Lucas’ Kitchen. Berger Ingredient cung cấp thực phẩm theo mùa và gia vị, còn Coco & Lucas’ Kitchen sản xuất thực phẩm đóng gói và đóng hộp dành cho trẻ em 3-12 tuổi.
Ngày nay, công ty của doanh nhân gốc Việt Diễm Fuggersberger được định giá hàng chục triệu USD và được truyền thông Australia khen ngợi hết lời. Cô được ưu ái gọi là “bà chủ đế chế thực phẩm” tại Australia.
Theo Cafef