Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Thursday, 28/11/24

Sinh viên trường Đại học Phenikaa nghiên cứu sản phẩm chăm sóc thú cưng dựa trên bài thuốc dân gian

Với dự án này, nhóm sinh viên Trường ĐH Phenikaa đã giành giải Quán quân tại vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo – Khởi nghiệp có sự tham gia của sinh viên 18 trường đại học trên địa bàn Hà Nội, diễn ra vào tối 24/11.

Trong dự án mang tên PETAA, năm sinh viên đến từ Khoa Dược và Khoa Kinh tế và kinh doanh (Trường ĐH Phenikaa) tập trung nghiên cứu các sản phẩm thiên nhiên chăm sóc da, lông cho thú cưng đầu tiên tại Việt Nam, đó là: sữa tắm trà xanh cho chó, sữa tắm trầu không cho mèo, sữa tắm tẩy trắng lông cho chó/mèo, và xịt khử mùi cho chó mèo.

Nhóm PETAA thuyết trình tại vòng chung kết PSI 2023. Nguồn: PETAA

Bên cạnh đó, nhóm đang nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm kem thảo dược thiên nhiên trị nấm cho chó mèo.

Mối quan tâm đối với các dòng sản phẩm này của nhóm xuất phát từ thực tế thú cưng – nhất là chó và mèo – đóng vai trò như một thành viên trong nhiều gia đình. Nhóm dẫn báo cáo của TGM Research năm 2023 cho thấy, 67% hộ gia đình ở Việt Nam được khảo sát sở hữu thú cưng, trong đó chó chiếm 74% và mèo chiếm 51%. Trong các dịch vụ cho thú cưng, dịch vụ chăm sóc lông hiện chiếm 33%.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho thú cưng cũng như các loại thuốc về chữa bệnh ngoài da đang có sẵn trên thị trường Việt Nam đều là hàng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản,… Hơn nữa, các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc hóa học. Chẳng hạn, sản phẩm chữa nấm, ghẻ cho chó/mèo thường chứa thuốc trừ sâu, khiến cho chó, mèo bị khó chịu về mùi khi được bôi thuốc, hoặc bị ngộ độc khi liếm vào chỗ bôi thuốc.

Nhằm khắc phục nhược điểm nói trên, nhóm đã dựa vào những bài thuốc dân gian Việt Nam và minh chứng khoa học về các loại thảo mộc, thực vật để làm ra các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, an toàn cho chó và mèo như chiết xuất trà xanh, chiết xuất trầu không, chiết xuất lô hội, dầu dừa, tinh dầu xạ hương, tinh dầu kinh giới cay,…

Hai thành viên của nhóm PETAA trong phòng lab của Trường ĐH Phenikaa. Nguồn: PETAA

Không chỉ nghiên cứu, nhóm còn xây dựng quy trình sản xuất cho từng loại sản phẩm, trong đó nguyên liệu đầu vào mua từ bên ngoài sẽ được điều chế trong phòng lab.

Nhóm cũng đã tiến hành nghiên cứu về cấu trúc chi phí (đầu tư ban đầu ước tính 300 triệu do các thành viên góp vốn và thời gian hòa vốn dự kiến 4-6 tháng), phân khúc khách hàng, kênh phân phối, kế hoạch truyền thông…

Sau khi dự liệu những khó khăn có thể phải đối mặt, nhóm tự đánh giá đã có đủ nguồn nhân lực để hiện thực hóa dự án của mình.

Trưởng nhóm Đào Đăng Đạt cho Khoa học & Phát triển biết, hiện sản phẩm đã được mang đi kiểm định. Nhóm sẽ hợp tác với một công ty Hàn Quốc có kinh nghiệm trong mảng chăm sóc thú cưng để đưa sản phẩm ra thị trường.

Phenikaa Startup Idea 2023: Đường đến hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp

Tại vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo – Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa (Phenikaa Startup Idea – PSI) 2023 diễn ra vào tối 24/11, dự án PETAA đã vượt qua chín đối thủ để giành giải Quán quân với phần thưởng 20 triệu đồng.

Nhóm PETAA nhận giải Quán quân từ thầy Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa Phạm Thành Huy. Nguồn: PETAA

Ngoài ra, hai giải Á quân 10 triệu đồng thuộc về dự án Ứng dụng acid lactic từ mẻ vào mỹ phẩm (nhóm sinh viên Phenikaa và Kinh tế quốc dân), và Phát triển nước uống bổ dưỡng có tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường từ sâm Vũ Diệp (nhóm sinh viên Phenikaa).

Ba giải Quý quân 5 triệu đồng thuộc về các dự án Aqua Gleam – Xử lý nước ô nhiễm nặng bằng công nghệ CDI (nhóm sinh viên Phenikaa, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân, FPT); PulseGuard – Áo thông minh cảnh báo đột quỵ cho người cao tuổi (nhóm sinh viên Phenikaa); Mombay – Trung tâm chăm sóc mẹ bầu, mẹ và bé sáu tháng sau sinh (nhóm sinh viên Phenikaa).

Bốn giải Dự án tiềm năng 2 triệu đồng thuộc về: VietsTranet – Dịch vụ quảng bá và phân phối đặc sản 63 tỉnh thành (nhóm sinh viên Phenikaa, Bách khoa Hà Nội, Bưu chính Viễn thông); HFP2 – App ứng phó khẩn cấp (nhóm sinh viên Phenikaa, Ngoại thương, Dược Hà Nội, Bưu chính viễn thông); SayGreen – Cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, tiện dụng và thân thiện với môi trường (trà, ống hút, đồ trang trí, viên nén năng lượng hữu cơ) từ cây sậy (nhóm sinh viên Phenikaa và Ngoại thương); SCHOOLBASE – Hệ thống học, thi thử học đường và ngôn ngữ cho học sinh (nhóm sinh viên Phenikaa và Bách khoa Hà Nội).

Được biết, Top 5 đội thi có thành tích cao nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện đề tài cùng người hướng dẫn và ghi danh là đại diện chính thức của Trường ĐH Phenikaa trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 (SV_STARTUP lần thứ VI) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cuộc thi PSI được Trường ĐH Phenikaa tổ chức thường niên từ năm 2022 nhằm lựa chọn những ý tưởng sáng tạo có tính mới, khả thi để tư vấn, hỗ trợ ươm tạo.

“Tiếp nối sự thành công của cuộc thi Startup Idea năm 2022 với hơn 50 đội thi tham gia, năm nay Trường ĐH Phenikaa tiếp tục tổ chức cuộc thi tạo sân chơi cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng tiềm năng khởi nghiệp, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho bản thân các bạn và xã hội,” PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, nói.

Sau 3 tháng kể từ ngày phát động, PSI 2023 đã thu hút gần 100 ý tưởng, 470 thí sinh (trong đó có 80 thí sinh đến từ 17 trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội) tham gia.

Cuộc thi gồm ba vòng, đòi hỏi các đội (mỗi đội gồm từ 3 đến 5 sinh viên, trong đó có ít nhất 1 sinh viên Phenikaa) phải trau dồi nhiều kỹ năng khởi nghiệp: các kỹ năng mềm (thuyết trình, đàm phán), kỹ năng phát triển ý tưởng, tư duy, lập chiến lược,… tương đương mô hình khởi nghiệp thực thụ.

Ở vòng thứ nhất – “Tìm kiếm tài năng”, các đội thiết lập ý tưởng, sau đó, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ tìm kiếm giảng viên, chuyên gia hướng dẫn trong trường hoặc bên ngoài trường, có chuyên môn phù hợp (Công nghệ thông tin, Chế tạo sản phẩm, Khoa học tự nhiên, Kinh doanh tạo tác động xã hội, Giáo dục, Du lịch, Kỹ thuật, Hoá học, Môi trường,… )

Top 30 đội xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài ở vòng “Hội tụ nhân tài” thông qua bài trình bày ý tưởng dự án dưới dạng poster và thuyết trình ý tưởng với ban giám khảo.

Ở vòng chung kết “Tinh hoa toả sáng”, Top 10 dự án có phần biện luận trước các ban giám khảo.

Nói về PSI 2023, trưởng nhóm giành giải Quán quân Đào Đăng Đạt cho Khoa học & Phát triển biết, Cuộc thi đã đem lại cho nhóm cơ hội kết nối tuyệt vời với các thầy cô trong và ngoài trường để qua đó được “tư vấn cặn kẽ về chuyên môn sản phẩm”. Nhóm cũng đã trưởng thành lên nhiều nhờ những câu hỏi phản biện sắc bén của các thầy cô. Đặc biệt, chi phí lớn nhất trong quá trình nhóm thực hiện dự án là máy móc thiết bị phòng lab được nhà trường hỗ trợ toàn bộ. Sau cuộc thi này, trưởng nhóm Đào Đăng Đạt tự tin rằng dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

 

Nguồn: https://tiasang.com.vn/

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Năm 2024, Trường Đại học Phenikaa có thêm 1 giáo sư và 6 phó giáo sư
Các giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Trường ĐH Phenikaa đều…
Trường Đại học Phenikaa mở ra cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ điện tử
Ngày 22/11/2024, Trường Đại học Phenikaa đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công…
Trường Đại học Phenikaa đẩy mạnh hợp tác đào tạo thực hành cho sinh viên ngành Dược
Ngày 22/11/2024, Trường Đại học Phenikaa đã tổ chức Hội thảo về thực hành ngoài trường dành cho sinh viên,…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa