- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Theo danh sách từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2023 có 7 phó giáo sư trong độ tuổi 8X đạt chuẩn chức danh Giáo sư. Đặc biệt, trong đó có 3 giảng viên đều đến từ một trường đại học.
Đó là PGS.TS Vũ Văn Trường, sinh năm 1983; PGS.TS Trần Đức Tân, sinh năm 1980 và PGS.TS Trần Hoài Nam, sinh năm 1981 đều là giảng viên Trường Đại học Phenikaa.
PGS.TS Vũ Văn Trường, quê ở xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là ứng viên giáo sư ngành cơ học. Ông đang là Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Phenikaa.
TS Vũ Văn Trường (bên phải) nhận giải thưởng Tài năng Cơ học trẻ Nguyễn Văn Đạo 2018 (Ảnh: Hồng Hạnh).
Ông Vũ Văn Trường nhận bằng đại học ngành cơ khí của Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2007. Năm 2010, ông Trường nhận bằng thạc sĩ và đến năm 2013 ông nhận bằng tiến sĩ ngành cơ học đều của Trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản.
TS Vũ Văn Trường được công nhận chức danh Phó giáo sư vào năm 2019.
Trước khi chuyển đến Trường Đại học Phenikaa làm việc vào năm 2019, ông Trường là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (từ năm 2014-2019); Thực tập viên, Tập đoàn Clean Venture 21, Nhật Bản giai đoạn 2011-2012.
Đến nay, PGS.TS Vũ Văn Trường đã công bố 111 bài báo khoa học, trong đó có 52 bài trên các tạp chí uy tín; hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học với 3 đề tài cấp quốc gia Nafosted, một đề tài cấp cơ sở; xuất bản 2 cuốn sách tại nhà xuất bản uy tín.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của PGS.TS Vũ Văn Trường gồm: nghiên cứu quá trình truyền nhiệt và quá trình biến đổi pha; nghiên cứu động lực học dòng chảy, dòng nhiều pha, dòng trong thiết bị vi lỏng.
Ông Trường từng nhận giải thưởng Tài năng Cơ học trẻ Nguyễn Văn Đạo 2018; giải thưởng bài báo xuất sắc nhất năm 2013 của Hội hóa học Nhật Bản.
PGS.TS Trần Đức Tân quê ở xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Tân nhận bằng đại học ngành công nghệ điện tử – viễn thông của khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002, nhận bằng thạc sĩ của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005 và nhận bằng tiến sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2010.
PGS.TS Trần Đức Tân (Ảnh: Trường Đại học Phenikaa).
Ông Trần Đức Tân được công nhận chức danh Phó giáo sư vào năm 2013.
Ông Tân về công tác tại Trường Đại học Phenikaa từ giữa năm 2019, giữ chức vụ Phó trưởng khoa Điện.
Trước giai đoạn này, ông Tân làm việc tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; thực tập nghiên cứu tại Trường ĐH Ritsumeikan, Nhật Bản; học giả mời tại Trường Đại học Illinois tại Urbana – Champaign (UIUC), Hoa Kỳ; nghiên cứu viên mời tại Trường SUPELEC, Pháp.
PGS.TS Trần Đức Tân có hướng nghiên cứu chủ yếu là: xử lý tín hiệu tối ưu được kết hợp giữa các thuật toán xử lý tối ưu và các cấu trúc tối ưu. Ông áp dụng hướng trên vào hai vấn đề nghiên cứu hệ thống thông minh sử dụng cảm biến gia tốc và hệ thống đo y – sinh.
Đến nay, nam giảng viên này đã công bố 139 bài báo khoa học, trong đó có 41 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín; hoàn thành 8 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 6 đề tài cấp Bộ; được cấp một bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và đã xuất bản 6 cuốn sách đều từ các nhà xuất bản uy tín.
Ông Tân từng giành giải 3 cuộc thi Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông 2008; Giải 3 giải thưởng khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội 2008; Giải thưởng Nhà khoa học trẻ, Đại học Quốc gia Hà Nội 2009; Giải ba Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam dành cho giảng viên trẻ của Bộ GD&ĐT năm 2012
PGS.TS Trần Hoài Nam quê ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là người duy nhất được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư trong ngành vật lý năm nay.
Ông Nam được cấp bằng đại học ngành vật lý tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội vào năm 2003; ông nhận bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật hạt nhân của Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản vào năm 2008.
PGS.TS Trần Hoài Nam – người duy nhất đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành vật lý năm 2023 (Ảnh: Trường Đại học Phenikaa).
Quá trình công tác, từ tháng 6/2004 đến tháng 3/2008, ông Nam là nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản.
Từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2010, ông là nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trường Đại học Nagoya, Nhật Bản.
Từ tháng 5/2010 đến tháng 10/2013 là nghiên cứu viên tại Trường Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển.
Từ tháng 5/2014 đến tháng 7/2022 là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân.
TS Trần Hoài Nam được công nhận chức danh Phó giáo sư vào năm 2018.
PGS.TS Trần Hoài Nam đã công bố 65 bài báo khoa học, trong đó có 55 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín; hoàn thành hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.
Các hướng nghiên cứu của TS Nam gồm: công nghệ hạt nhân và vật lý lò phản ứng hạt nhân; ghi đo bức xạ ion hóa.
Nguồn: Báo Dân trí