- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Ngày 07 – 08/10/2023, giải đấu Robot mang tên “Đấu trường Robot” đã diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm khơi nguồn cảm hứng, truyền đam mê khoa học kỹ thuật cho các bạn học sinh, sinh viên. Đặc biệt, Trường Đại học Phenikaa có 02 đội thi đăng ký tham gia tranh tài giải đấu năm nay.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ 8 (Vietnam STEM Festival 2023), sau hơn hai tháng phát động giải đấu đã thu hút sự tham gia của 52 đội tuyển đến từ các trường Đại học khác nhau như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Phenikaa, Đại học Công nghiệp,… trong đó có 2 đội tiểu học, 12 đội THPT thử thách tham gia thi đấu cùng các anh chị sinh viên Đại học. Tham gia giải đấu năm nay, Trường Đại học Phenikaa có đội tuyển AML-1 và AML-2 là các sinh viên K16 ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (MEM1).
Sinh viên Trường Đại học Phenikaa háo hứng tại Đấu trường Robot
Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ 8 (Vietnam STEM Festival 2023) là chuỗi hoạt động về STEM được tổ chức thường niên kể từ năm 2015 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày hội mở cửa đón khách trên toàn quốc nhằm lan toả, tiếp thêm động lực, cổ vũ niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngày hội đồng thời góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động, ứng dụng STEM vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
Vòng chung kết đấu trường robot Bách khoa Hà Nội toàn quốc năm 2023 – HUST Robot Arena 2023 do Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ đạo tổ chức và nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội STEM Quốc gia 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, diễn ra vào chủ nhật 08/10/2023 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuộc thi mang lại cho học sinh, sinh viên cơ hội học và thực hành các kiến thức liên quan tới khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bên cạnh đó, các đội thi còn có thể phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai như kỹ năng tư duy máy tính, giải quyết vấn đề và kỹ năng làm việc nhóm.
Đại diện đội tuyển AML-1 – Đội trưởng Nguyễn Văn Tiến điều khiển robot tham gia thi đấu
Luật thi đấu của cuộc thi được chuyển thể từ cuộc thi nổi tiếng Battlebot. Được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2000 tại Mỹ, BattleBot đã thu hút được sự qua tâm từ đông đảo sinh viên, kỹ sư đam mê robot trên toàn thế giới. Trong cuộc thi HUST Robot Arena, mỗi đội tuyển sẽ thiết kế và chế tạo một Robot điều khiển từ xa có kích thước tối đa 40 x 40 x 40 cm, khối lượng không quá 2.5kg. Do tính chất của những trận đấu đối kháng trực tiếp nên các trận thi đấu của Robot các đội đã thu hút được sự quan tâm đến từ các bạn sinh viên, học sinh tham gia ngày hội STEM Quốc gia.
Đội tuyển AML-1 xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Đấu trường Robot
Được thành lập từ các thành viên của Lab Cơ điện tử Ứng dụng do TS. Nguyễn Đức Nam hướng dẫn (Applied Mechatronics Lab – AML), đội tuyển AML-1, AML-2 gồm các thành viên đều là các sinh viên năm thứ 2, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử đã nỗ lực để hoàn thiện Robot với nhiều ý tưởng sáng tạo. Trải qua hơn ba tuần nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm, hai đội tuyển đã sẵn sàng tham gia cuộc thi với tinh thần quyết tâm cao nhất. Kết quả chung cuộc: đội tuyển AML-2 đạt TOP 4, đội tuyển AML-1 giành vị trí Á quân.
Giờ học trải nghiệm, giao lưu của đội tuyển AML-1, AML-2 với tân sinh viên K17 Kỹ thuật Cơ điện tử (MEM1)
Kết quả này là động lực để các sinh viên khối ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành Kỹ thuật Cơ điện tử có thêm sự tự tin, động lực và đam mê để tham gia các cuộc thi về Khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm ngay từ khi còn là sinh viên. Ngay trong những buổi học đầu tiên của năm học mới, các tân sinh viên khóa K17 ngành Kỹ thuật Cơ điện tử đã có được giao lưu, trải nghiệm sản phẩm robot và chia sẻ hành trình đi đến mục tiêu với 2 đội tuyển AML-1 và AML-2. Các bạn tân sinh viên K17 rất hào hứng khi trải nghiệm sản phẩm, đồng thời đặt nhiều câu hỏi dành cho 2 đội tuyển AML-1, AML-2. Đây là một phần của nội dung đào tạo theo hướng dự án (Project-based learning), giúp cho sinh viên có những trải nghiệm thực tế và nâng cao hiệu quả đào tạo ở khối ngành kỹ thuật.