- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Ngày 10/08/2023, tại Trường Đại học Phenikaa diễn ra buổi lễ trao giấy chứng nhận hoàn thành kỳ tập huấn ngắn hạn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản khóa 1, 2 và chứng nhận hoàn thành chương trình trao đổi học sinh quốc tế cho học sinh, sinh viên bởi Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen Phenikaa (PU-BRC) tổ chức.
Tại Trường Đại học Phenikaa diễn ra buổi lễ trao giấy chứng nhận hoàn thành kỳ tập huấn ngắn hạn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản khóa 1, 2 và chứng nhận hoàn thành chương trình trao đổi học sinh quốc tế cho học sinh, sinh viên
Tham dự buổi lễ, về phía Trường Đại học Phenikaa có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng; Th.S. Nguyễn Thị Bích Hằng – Phó Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Phenikaa.
Về phía Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen (Trung tâm BRC) có sự góp mặt của TS. Nguyễn Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen, Giảng viên khoa Công nghệ Sinh học – Hóa học – Kỹ thuật Môi trường; TS. Trần Hữu Phong – phụ trách khóa tập huấn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản, giảng viên khoa Công nghệ Sinh học – Hóa học – Kỹ thuật Môi trường; Th.S Đinh Thị Ngọc Mai – nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu nguồn gen, giảng viên khoa Công nghệ Sinh học – Hóa học – Kỹ thuật Môi trường; Th.S Phạm Thị Huệ – nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu nguồn gen. Cùng đông đảo các bạn học sinh, sinh viên đang tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen, Trường Đại học Phenikaa.
Mở đầu buổi lễ trao giấy chứng nhận, TS. Nguyễn Hồng Minh, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen chia sẻ, trong thời gian nghỉ hè Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen đã triển khai chương trình tập huấn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản với 2 khóa học (trong vòng 2 tuần) dành cho các bạn học sinh, sinh viên. Trung tâm BRC rất vui mừng khi khóa học nhận được sự quan tâm của các em, mong rằng chương trình tập huấn và trao đổi học sinh quốc tế lần này đem lại nhiều kiến thức cơ bản về sinh vật cho các bạn học sinh, sinh viên. Cô cảm ơn và hy vọng trong tương lai các bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp ở lĩnh vực mình chọn.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh chia sẻ rằng: Chúng tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm của các em tới lĩnh vực khoa học tự nhiên, bởi những ngành trong lĩnh vực này đòi hỏi sự đam mê rất lớn. Song song với đó, chúng tôi mong muốn được đồng hành và hiện thực hóa các tiềm năng của các bạn không chỉ ở cấp Đại học mà cả các bạn học sinh cấp phổ thông, cấp cơ sở. Mỗi trải nghiệm sẽ giúp cho các bạn tìm hiểu được đam mê của mình, để các em có những lựa chọn phù hợp trong tương lai. Hi vọng, khóa học ngắn hạn sẽ là một phần kỉ niệm khó phai, giúp các bạn có những trải nghiệm, kiến thức để nuôi dưỡng niềm đam mê và yên tâm hơn về con đường các bạn lựa chọn.
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa đưa ra nhiều chia sẻ đầy cảm xúc trong buổi lễ tốt nghiệp Cơ hội tích lũy kiến thức cùng chương trình tập huấn ngắn hạn
Chương trình tập huấn ngắn hạn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản là một chương trình chất lượng cao, nhằm mục đích giới thiệu và cung cấp kiến thức nền tảng về vi sinh vật, từ những khái niệm cơ bản đến các phương pháp nghiên cứu thường quy và đặc biệt là những quy định cần thiết khi làm việc trong phòng thí nghiệm Vi sinh vật học nói riêng và phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học nói chung. Có thể nói, chương trình là cơ hội mang lại cho sinh viên những kinh nghiệm, bài học quý báu.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở
Chương trình được thiết kế trong 2 tuần với khóa 1 từ 1/7/2023 đến 14/7/2023 và khóa 2 từ 24/7/2023 đến 10/8/2023. Chương trình này đã trang bị cho các bạn sinh viên, học viên những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để tiếp cận bước đầu với nghiên cứu trong lĩnh vực vi sinh vật.
Bên cạnh đó, sinh viên còn còn có cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp với bạn bè, giảng viên về những vấn đề trong học tập và nghiên cứu. Từ đó phát huy được những điểm mạnh và khắc phục được những điểm yếu còn tồn tại của bản thân.
Cơ hội trải nghiệm thực tế có “một không hai” với chương trình trao đổi quốc tế
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, Trung tâm BRC cũng nhận nhiệm vụ từ trường Đại học Phenikaa trong việc hỗ trợ và hướng dẫn các bạn học sinh đến từ trường THPT có niềm đam mê với Sinh học nói chung và Công nghệ Sinh học nói riêng.
Từ 1/7/2023-10/8/2023, trường Đại học Phenikaa và trung tâm nghiên cứu nguồn gen đã thiết kế khóa tập huấn nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình trao đổi học sinh nước ngoài với nội dung phù hợp với học sinh giúp thực nghiệm hóa những kiến thức lý thuyết đã được trang bị.
Tại ngôi nhà chung BRC, các bạn học sinh sẽ được trải nghiệm những thí nghiệm thú vị và hữu ích liên quan đến Vi sinh vật, sinh học phân tử, hóa sinh. Qua đó giúp các bạn có cái nhìn thực tế hơn với môn Sinh học và nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá những điều mới mẻ mà khoa học đem lại.
Chia sẻ từ bạn Dương Uyên Như, học sinh lớp 11, Trường THPT Chelmsford High School, thuộc bang Massachusetts (Mỹ) – học sinh có kết quả rất tốt trong khóa học vừa rồi cho biết: “Đây là một cơ hội cực kì tốt để phát triển nguyện vọng của bản thân khi mình chọn ngành chính là Sinh học, cụ thể hơn là Công nghệ sinh học. Trước đó, em biết tới khóa học này thông qua thầy Khánh và cô Minh giới thiệu, khi em tham gia học khóa học này ở Trung tâm BRC em thấy cực kỳ vui vì em học hỏi được rất nhiều thứ từ mọi người. Đặc biệt, em biết ơn các anh chị và thầy cô đã giúp đỡ, hỗ trợ em trong quá trình thực tập tại BRC, Trường ĐH Phenikaa.”
Chia sẻ thêm về quãng thời gian học tập và thực tập tại Phenikaa, Như cho biết cách tiếp cận về các bài học ở đây được trao đổi với bạn bè, thầy cô rất thoải mái và rất hiệu quả. Thầy cô và các anh chị ở đây đều rất thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ khiến em cực kỳ thoải mái trong học tập và công việc. Vậy nên, em cảm thấy mình rất vui vì được học hỏi nhiều điều từ các thầy cô và các anh chị.
Dương Uyên Như, học sinh lớp 11, Trường THPT Chelmsford High School, thuộc bang Massachusetts (Mỹ) nhận bằng khen và ảnh lưu niệm
Cùng trong buổi lễ, ông Dương Đình Nam, phụ huynh em Như chia sẻ, Trường Đại học Phenikaa là môi trường học tập tốt, với cơ sở vật chất hiện đại tạo điều kiện cho việc thực hiện các thí nghiệm, nghiên cứu. Đặc biệt, trường còn có nhiều thầy cô giỏi, giàu kinh nghiệm và là nguồn lực hỗ trợ tốt cho các bạn học sinh tham gia học tập, nghiên cứu.
Trung tâm Nghiên cứu Nguồn gen Phenikaa được thành lập năm 2021, là nơi nghiên cứu và bảo tồn các chủng vi sinh vật bản địa quý, có ích của Việt Nam. Việc triển khai chương trình tập huấn và trao đổi học sinh quốc tế là một trong những hoạt động vô cùng ý nghĩa trong việc nuôi dưỡng niềm đam mê của các em học sinh, sinh viên. Đồng thời, đây là hoạt động giúp sinh viên, học sinh có cơ hội học tập, nghiên cứu trải nghiệm những kiến thức mới, môi trường mới và mở rộng mạng lưới giao lưu, trao đổi quốc tế. Trong thời gian tới, Trung tâm BRC, Trường Đại học Phenikaa sẽ nỗ lực triển khai nhiều chương trình tập huấn và trao đổi học sinh quốc tế nhiều hơn, để các bạn học sinh, sinh viên có cơ hội giao lưu tri thức, tích lũy những kiến thức thực tiễn và hiện thực hóa niềm đam mê của mình.
Học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành kỳ thực tập ngắn hạn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản khóa 1, 2
Học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành kỳ thực tập ngắn hạn Kỹ thuật Vi sinh vật Cơ bản khóa 1, 2
Danh sách học sinh, sinh viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn và trao đổi quốc tế
Trao giấy chứng nhận hoàn thành cho học sinh tham dự chương trình trao đổi học sinh quốc tế:
- Dương Uyên Như, học sinh lớp 11, trường cấp 3 Chelmsford, thuộc Chelmsford, Massachusetts, USA.
Trao giấy chứng nhận hoàn thành cho các bạn tham dự chương trình tập huấn ngắn hạn: Kỹ thuật Vi sinh Cơ bản khóa 1, 2:
- Trần Thị Quỳnh Thương, sinh viên K15CNSH, trường Đại học Phenikaa.
- Lê Thị Ngọc Trâm, sinh viên K66CNSH, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Ngô Thị Thanh Huyền, K64CNSH, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Hoàng Quốc Việt, K15CNSH, trường Đại học Phenikaa
- Trần Hoàng Bảo, K14CNSH, trường Đại học Phenikaa
- Dương Thị Quỳnh Chi, K14CNSH, trường Đại học Phenikaa
- Nguyễn Thị Ngọc Lan, K15CNSH, trường Đại học Phenikaa