- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Năm 2009, tiểu thuyết Hãy Chăm Sóc Mẹ của Shin Kyung-sook xuất hiện như một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc vì đã khơi gợi những cảm xúc thiêng liêng nhất về tình cảm gia đình. Hãy cùng khám phá cuốn sách Hãy Chăm Sóc Mẹ của tác giả Shin Kyung-sook nhé!
Cuộc sống hiện đại quá bận rộn, bận rộn đến mức người ta cứ mải lao đầu vào công việc mà quên mất rằng, ở miền quê xa xôi, người mẹ của chúng ta đã và đang trải qua những ngày tháng vất vả để chúng ta có được ngày hôm nay. Hãy Chăm Sóc Mẹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đến bạn đọc, nhắc nhở chúng ta về sự hi sinh, vất vả của người mẹ và biết trân quý hơn những ngày tháng còn có mẹ ở bên.
Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, năm sáu tuổi, cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Shin Kyung-sook đã trở thành nhà văn châu Á nổi bậc nhất năm 2009.
Bên cạnh Hãy Chăm Sóc Mẹ, tác giả Shin Kyung-sook còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: Nỗi Buồn Lớn (1994); Căn Phòng Lẻ Loi (1995); Tàu Chạy Lúc 7 giờ (1999); Violet (2001); Ở Đâu Đó Có Điện Thoại Gọi Tôi (2010)…
Cuốn sách kể về hành trình đi tìm người mẹ thất lạc của những thành viên trong gia đình mang theo những dòng hồi ức đầy suy tư về người mẹ, người vợ của mình trải dài theo 5 chương của cuốn sách:
Chương 1: Không ai biết – Một khung cảnh hỗn loạn mở ra đầu truyện khi người mẹ đã đi lạc ở ga tàu Soeul trong lúc cùng chồng lên thành phố thăm các con. Khi chuẩn bị lên tàu, bà đã bị bỏ lại giữa dòng người đông đúc vì không theo kịp chồng mình.
Chương 2: Xin lỗi con, Hong-chol – Lời xin lỗi của người mẹ vì nghĩ rằng chính mình đã làm gián đoạn giấc mơ trở thành công tố của cậu con trai cả. Nhưng con đâu biết rằng, đó cũng chính là ước mơ của đời mẹ.
Chương 3: Tôi đã về đây! – Một trong những câu nói mà người chồng nói với bà nhiều nhất sau hơn 50 năm chung sống khi ông thường xuyên bỏ nhà đi lang bạt khắp nơi, để rồi nhận ra đó lại là câu ông mong ngóng được nghe từ bà nhất lúc bấy giờ. Giá mà trong ga Seoul đông đúc hôm ấy, ông đứng lại đợi bà thì mọi việc đã không đến nước này…
Chương 4: Và người phụ nữ khác – Chương 4 như muốn thay lời người mẹ muốn nói lên hết tất cả những tâm sự thầm kín nhất, ẩn khuất nhất trong tâm hồn,về những đau khổ bà đã phải chịu đựng một mình, cả những nỗi băn khoăn, day dứt chưa một lần được thổ lộ thành lời.
Phần kết: Chuỗi tràng hạt hoa hồng – Hình ảnh kết thúc truyện là khi cô con gái thứ 3 sang Roma và tìm mua cho mẹ một chuỗi tràng hạt hoa hồng. Có một điều gì đó mãnh liệt cứ níu giữ chân cô ở bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cô nghĩ đến Mẹ, người hi sinh cả đời cho cô và các anh chị em nhưng cô và các anh em trong nhà, chưa ai làm được gì cho mẹ. Mẹ luôn động viên các con hãy cố gắng theo đuổi ước mơ của mình và mẹ làm tất cả để giúp ước mơ của các con thành hiện thực nhưng chưa bao giờ những đứa con ấy hỏi mẹ về ước mơ của mẹ thuở còn trẻ? Chúng cứ mặc định là Mẹ thì phải hi sinh.
Hành trình đi tìm người Mẹ bị lạc đã làm hiện về trong các con những dòng hồi ức day dứt và họ chợt nhận ra, mình đã vô tâm với Mẹ đến nhường nào. Chỉ khi không còn mẹ bên cạnh, họ mới nhận ra rằng vì quá mải miết với những xô bồ của cuộc sống mà con quên mất rằng hạnh phúc của Mẹ đôi khi đến từ những điều giản dị nhất, những lời yêu thương, quan tâm, sẻ chia và dành thời gian ở bên, chăm sóc Mẹ.
Hãy Chăm Sóc Mẹ như một lời thức tỉnh đến bạn đọc về những tình cảm thầm kín bấy lâu bị ngủ quên, làm tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của nhiều thế hệ độc giả.
“Cảm động và ám ảnh” hay – Đó là những lời nhận xét của Newsday khi nói về cuốn tiểu thuyết nổi bật của Shin Kyung-sook.
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.” – Kirkus Reviews nhận xét.
“Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất Hàn Quốc từ trước tới nay” – đánh giá của Publishers Weekly.
Tôi tin chắc rằng, bạn sẽ thấy mình xuất hiện đâu đó trong từng câu chữ của Hãy Chăm Sóc Mẹ, sẽ nhận ra rằng bản thân ta đã vô tâm đến nhường nào, vô tâm không biết rằng, mẹ đang làm gì, mẹ thích điều gì, cuộc đời mẹ có nguyện ước gì không, hay ta luôn mặc định, mẹ sinh ra đã là mẹ, mẹ có nghĩa vụ phải yêu thương, quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho ta vô điều kiện.
Người mẹ trong cuốn sách Hãy Chăm Sóc Mẹ đã có một cuộc đời đầy trắc trở biến cố, song dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn cố gắng dành những điều tốt nhất cho các con. Hình ảnh một người mẹ quanh năm tần tảo với ruộng đồng, mùa nối tiếp mùa, hằng ngày phải lo cơm nước chu toàn cho cả năm người con nhưng không một lời than vãn, trách móc. Bà gói ghém hết những cảm xúc của mình vào lòng, tự mình chịu đựng những đớn đau, để rồi khi không còn chịu đựng được nữa cũng là lúc bà không còn tỉnh táo nữa, bà đã bị lạc. Có thể nói Hãy Chăm Sóc Mẹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đến độc giả về tình cảm gia đình: HÃY CHĂM SÓC MẸ khi mẹ còn bên cạnh chúng ta, HÃY CHĂM SÓC MẸ khi mẹ còn nhớ ta là ai và HÃY CHĂM SÓC MẸ khi còn có thể!