- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Những Tiến sĩ, Nhà khoa học trẻ trở về Việt Nam sau thời gian học tập và công tác tại nước ngoài, với năng lực và trình độ của mình, sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc tại các môi trường uy tín. Vậy lý do gì khiến những “Nhà khoa học dám ước mơ” lại chọn trường Đại học Phenikaa – một cái tên “mới toanh” là nơi dừng chân của mình? Một buổi sáng mùa xuân nhẹ gió, Phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với 3 giảng viên trẻ, lắng nghe họ chia sẻ để hiểu rằng lựa chọn đó là “liều lĩnh” hay bản lĩnh.
Nguyễn Ngọc Hiếu – Giảng viên, thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh Hóa dược và Hợp chất sinh học
Ở Hà Nội, nếu nói về đào tạo Dược (lĩnh vực TS. Hiếu đang theo đuổi – PV), mọi người chỉ nhắc đến Trường Đại học Dược Hà Nội hoặc Khoa Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. Các trường dân lập khác để lại rất ít dấu ấn, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó là một trong những “ý kiến” của gia đình và bạn bè mình trước quyết định về đầu quân cho trường Đại học Phenikaa của mình.
Điều khiến mình chọn trường Đại học Phenikaa làm “điểm đến” cho sự nghiệp là do mình nhận thấy quyết tâm đầu tư của Tập đoàn Phenikaa. Đầu tiên đó chính là việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt là Nhóm nghiên cứu mạnh về Hóa dược và Hợp chất sinh học. Thêm nữa, như bạn biết, “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Cười), cơ chế lương khuyến khích các nhà khoa học thông qua các công bố quốc tế là một chính sách tốt. Điều này giúp các giảng viên trẻ như mình có thể tiếp tục hướng nghiên cứu và cân bằng, phối hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Trải nghiệm các nền khoa học ở Hàn Quốc và Áo, mình nhận ra tầm quan trọng của sự phối hợp giữa nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Nghiên cứu khoa học sẽ giúp giảng viên cập nhật kiến thức nhanh hơn và có những trải nghiệm thực tế, từ đó ‘truyền lửa’ đến sinh viên sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, nếu tạo ra một môi trường nghiên cứu học thuật tốt, chúng ta có thể phát hiện được những bạn sinh viên có đam mê với nghề. Điều này giúp xây dựng nhóm nghiên cứu đa dạng và năng động hơn, tạo nên phòng thí nghiệm ‘nhộn nhịp’ hơn với sự xuất hiện đồng thời của sinh viên, các kỹ thuật viên, các học viên cao học và các Giáo sư/Tiến sĩ. Khi đó, nhờ gắn với thực tế và thực hành, hiệu quả học tập sẽ tăng lên rất đáng kể.
Mình ấn tượng với triết lý giáo dục “Tôn trọng – Sáng tạo – Phản biện” của trường Đại học Phenikaa bởi sự khác biệt với các triết lý giáo dục truyền thống. Ai làm khoa học sẽ dễ nhận thấy đây là triết lý khoa học. Theo ý kiến cá nhân mình, TÔN TRỌNG là hướng đến tôn trọng sự khác biệt trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa. Chúng ta cần tôn trọng văn hóa, tập quán, cách tư duy và cách sống của nhau. Tôn trọng không phải là hoàn toàn đồng ý, mà là sự bày tỏ một thái độ công tâm với bất kỳ sự khác nhau nào. Vì sự khác nhau là bản chất của thế giới, mỗi con người, mỗi nền văn hóa đều có những nét riêng làm nên ‘cái tôi’ của con người hay nền văn hóa đấy.
SÁNG TẠO chính là động lực của sự phát triển. Sự sáng tạo tự bản thân nó đã có sự khác biệt, một tầm nhìn mới mẻ, suy nghĩ không theo lối mòn. Muốn khuyến khích được sự sáng tạo, rất cần tôn trọng sự khác biệt. Cuối cùng, PHẢN BIỆN là sự thử thách ý tưởng trước những luồng tư duy khác nhau, những góc nhìn khác nhau, để những kết quả nghiên cứu hay ý kiến đó được khách quan và đúng đắn hơn. Để cơ chế phản biện đi vào thực tiễn, chúng ta lại cần phải tôn trọng sự khác biệt. Một nghiên cứu có thể nhận nhiều lời phản biện gai góc, nhưng có thể từ đó tác giả sẽ nâng cao chất lượng nghiên cứu của mình.
Điểm thú vị mình thấy ở triết lý này là sự sắp xếp rất có chủ đích: Tôn trọng – Sáng tạo – Phản biện. Mình tin rằng, nếu bám sát triết lý này, trường Đại học Phenikaa sẽ là một nơi ươm mầm cho những nhà khoa học, nhà phát minh và những nhà sáng tạo tương lai.
Tạ Thúy Anh – Giảng viên/Thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh Tối ưu hóa các Hệ thống thông minh
Quyết định về Phenikaa của mình có thể nói là một quyết định khá liều lĩnh. Mình còn nhớ, vào tháng 9/2019, mình đang công tác tại Trường Đại học Quốc gia Singapore với vị trí Nghiên cứu viên. Trong một lần về thăm Việt Nam, mình có cơ hội gặp gỡ TS. Hà Minh Hoàng (hiện đang là Phó trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Phenikaa), mình có nói đến ý tưởng sau này sẽ về Việt Nam làm việc. Thầy Hoàng lúc ấy chia sẻ dự định sắp tới sẽ “về” Phenikaa và thành lập một nhóm nghiên cứu Tối ưu hóa ORLab. Thầy cũng có đề xuất mình cùng về Trường và tham gia vào nhóm nghiên cứu. Lúc đó mình rất phân vân, vì thực sự mình chưa nghe đến cái tên “Phenikaa” và cũng không biết về tôn chỉ giáo dục của Trường. Nhưng sau buổi gặp gỡ và trao đổi với GS.TS. Phạm Thành Huy, thầy Hiệu trưởng đã khiến mình cực kỳ ấn tượng với Giá trị cốt lõi: “TRẢI NGHIỆM – XUẤT SẮC – TỰ HÀO” của Trường. Mình cũng rất bất ngờ khi biết rằng trường Đại học Phenikaa đặt mục tiêu trở thành Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á và định hướng trở thành Đại học nghiên cứu.
Vậy là sau 9 năm xa Việt Nam, giờ đây đã có một trường đại học có “tham vọng” khá lớn giữ chân mình. Khi được PGS.TS. Ngô Hồng Sơn, Trưởng khoa CNTT đưa đi thăm trường, mình càng ấn tượng hơn về cơ sở vật chất khang trang và sạch đẹp, không thua kém gì những ngôi trường mình đã học tập và làm việc tại Canada và Singapore. Sau buổi hôm đó, không chần chừ và do dự, mình quyết định sẽ gắn bó với Phenikaa với mong muốn sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trên hành trình đưa trường Đại học Phenikaa trong Top 100 trường đại học tốt nhất Châu Á. Và hành trình theo đuổi đam mê cùng với trường Đại học Phenikaa của mình bắt đầu từ tháng 12/2019.
Vũ Thị Hồng Hà – Giảng viên, Thành viên Nhóm Nghiên cứu mạnh Chuyển đổi và Lưu trữ năng lượng
Mình có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau nhiều năm trải nghiệm và gặp gỡ nhiều nhà khoa học Việt tại nước ngoài, mọi người đều có chung một câu hỏi: “Đi để thể hiện năng lực bản thân và chứng minh cho các bạn bè quốc tế về khả năng của người Việt hay trở về để biến sức mạnh tuổi trẻ thành tiềm năng của đất nước?”. Cả hai con đường đều khó lựa chọn. Nhiều bạn chọn ở lại, còn mình chọn… quay về.
Với mình, là một nhà khoa học trẻ, điều quan trọng nhất là tìm được những người cộng sự có chung hoài bão và dám đương đầu với thử thách để tiến lên. Và mình tìm thấy điều này ở nhiều nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam. Vì vậy, mình “liều” đánh đổi để “quay về”.
Nhiều người hỏi “Tại sao lại chọn trường Đại học Phenikaa?”. Mình cũng đã tự hỏi bản thân và câu trả lời là: Mình còn trẻ, mình lựa chọn dấn thân. Làm việc trong môi trường giáo dục đại học trẻ như trường Đại học Phenikaa, mình và các đồng nghiệp đều đồng quan điểm: Dám chấp nhận thất bại để tìm thấy 1% cơ hội thành công; Dám đưa các em sinh viên, dù mới gấp quyển sách giáo khoa lớp 12, làm cộng sự trong các nghiên cứu của mình để các em phát triển tư duy phản biện và tính sáng tạo. Đó là cách chúng ta thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của những người theo đuổi lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Tại trường Đại học Phenikaa, tất cả các thành viên từ cán bộ, giảng viên, sinh viên đều được tôn trọng và được khuyến khích để tự do sáng tạo. Ai trong chúng ta cũng có sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong con người. Với những quốc gia phát triển, tính sáng tạo rất được coi trọng và là lợi thế cạnh tranh cho cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, để kích thích sáng tạo, bạn cần trang bị tư duy phản biện để thấu hiểu gốc rễ và lý do trong mỗi quyết định của chính mình. Trong môi trường giáo dục, càng phải rèn luyện tư duy phản biện cho người học, đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thành công tại các trường đại học nước ngoài. Bạn có một ý tưởng, ý tưởng đó được mọi người tôn trọng, được khuyến khích trình bày theo góc nhìn của mình dù khác biệt với số đông nếu điều đó vì lợi ích chung của tập thể. Từ đó, ý tưởng không còn là tiềm năng mà được hiện thực hóa.
Cũng chính vì ấn tượng với triết lý giáo dục của Trường, mình cùng ông xã đã chính thức trở thành một phần của Phenikaa.