- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Ngày 16/10/2022, Trường Đại học Phenikaa đã tổ chức với chủ đề “Tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở trường đại học”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Ngôn ngữ học, và các cơ sở giáo dục đại học trong nước như: Đại học CMC, Đại học Sài Gòn, Đại học Hà Nội, và đông đảo giảng viên, sinh viên đến từ Khoa Tiếng Anh, Khoa Tiếng Trung, Khoa Tiếng Nhật, Khoa Tiếng Hàn và Khoa Du Lịch – Trường Đại học Phenikaa.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoại ngữ đã trở thành công cụ không thể thiếu để giao lưu, phát triển kinh tế – xã hội. Ngoại ngữ cũng là chìa khoá để mở cánh cửa hội nhập, khám phá những kho tàng tri thức nhân loại để phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp sinh viên các trường đại học có thể đạt được mục tiêu trên cuộc hành trình chinh phục ngoại ngữ cũng như sinh viên sau khi tốt nghiệp phát huy được vốn ngoại ngữ đã học được trong trường thì việc đổi mới trong việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học luôn là nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường đại học tại Việt Nam hiện nay.
GS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu
khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, giảng viên cùng nhau trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới xây dựng một khung chương trình chung, tìm ra các phương pháp dạy học phù hợp với tình hình đào tạo ngoại ngữ hiện nay và phù hợp với đường hướng chiến lược, mục tiêu và tình hình cụ thể ở mỗi trường, trong đó có Trường Đại học Phenikaa.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Nguyễn Tô Chung – Phó Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ tâm huyết về vấn đề dạy và học ngoại ngữ hiện nay tại các trường đại học ở Việt Nam. Đồng thời, Phó Trưởng ban Đề án cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết đối với các nhà quản lí, các nhà khoa học, các nhà giáo dục và đội ngũ giảng viên trong việc cải thiện chương trình dạy ngoại ngữ, nâng cao năng lực sư phạm, trau dồi kiến thức chuyên môn nhằm giúp sinh viên đạt được chuẩn đầu ra sau khi sinh viên ra trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của môi trường làm việc.
PGS. TS. Nguyễn Tô Chung, Phó Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hội thảo được chia làm hai phiên, mỗi phiên có bốn báo cáo. Các báo cáo được chọn để trình bày tại Hội thảo đều nằm trong số 45 bài viết đã được duyệt đăng kỉ yếu Hội thảo. Đó là những báo cáo có hàm lượng nghiên cứu đạt chất lượng, đề cập tới những vấn đề mang tính nổi cộm và đang là những nỗi trăn trở đối với những giảng viên tham gia công tác giảng dạy bộ môn Ngoại ngữ, đồng thời đề ra những giải pháp mang tính thực tiễn như báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Khang, với chủ đề “Tổ chức đào tạo ngoại ngữ ở bậc đại học: một số vấn đề quan yếu về chuyên môn”, báo cáo của TS Nguyễn Ngọc Long “Rèn luyện nâng cao năng lực dịch: mục tiêu quan trọng trong đào tạo phiên, biên dịch”.
Cũng trong phiên trình bày, có những báo cáo đưa đến những cách tiếp cận mới trong giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam như báo cáo “Khoa học thần kinh trong giáo dục và sự thụ đắc ngôn ngữ thứ hai” với sự trình bày của PGS.TS Nguyễn Văn Độ, Trường Đại học Thăng Long…. Về vấn đề đổi mới trong dạy và học Tiếng Anh, ThS Nguyễn Ngọc Hải đã trình bày báo cáo “Đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy – học tiếng Anh không chuyên tại Trường Đại học Phenikaa”.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn được lắng nghe phần trình bày tập trung vào công tác giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành, như báo cáo của TS Nguyễn Đình Thanh với chủ đề “Đào tạo tiếng Anh du lịch ở một số trường đại học: thực trạng và giải pháp”. Quan tâm tới việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ, ThS Thẩm Thúy Hồng đã có báo cáo về “Phản ứng của sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật với dự án học tập đòi hỏi năng lực sử dụng công nghệ thông tin – Tập trung vào dự án Digital storytelling”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Về ngôn ngữ Tiếng Trung Quốc, Hội thảo đã được lắng nghe phần trình bày của ThS Giang Thị Tám với chủ đề “Kết hợp phương pháp dạy – học giao nhiệm vụ và phương pháp học tập tích cực trong mô hình lớp học đảo ngược ở giai đoạn Tiếng Hán cơ sở tại Trường Đại học Phenikaa”.
Có thể nói, mỗi báo cáo mang một sắc màu riêng, nhưng tất cả đều thể hiện sự nghiêm túc trong tìm tòi, nghiên cứu cũng như sự tâm huyết của các báo cáo viên – những nhà khoa học, những giảng viên tận tuỵ với nghề. Những công trình nghiên cứu khoa học đó đều được đánh giá cao và nhận được những phản hồi tích cực cũng như những bàn luận sôi nổi bởi kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề thực tiễn, đưa đến những góc nhìn chân thực, đánh trúng vào mối quan tâm của các giảng viên nhằm hướng tới mục đích mong muốn được áp dụng những phương pháp dạy và học ngoại ngữ hiệu quả trong bối cảnh hiện nay ở các trường đại học trên đất nước Việt Nam nói chung và Trường Đại học Phenikaa nói riêng.
Hy vọng hội thảo sẽ là cầu nối gắn kết cộng đồng dạy và học ngoại ngữ, giúp cho cộng đồng đào tạo ngoại ngữ ngày một phát triển, vững mạnh và mang lại nhiều giá trị tích cực tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà.