Xử lí tình huống khi học sinh có dấu hiệu bạo lực học đường
Theo cô Biên, đối với những học sinh có xu thế bạo lực học đường thường dễ nổi nóng, phản ứng thái quá khi có sự việc không như ý. Do đó, các em thường dùng hành động tay chân: đấm, đá hoặc ném đồ vào bạn để giải tỏa những bức xúc, ấm ức trong bản thân.
Bên cạnh đó, những học sinh này có thể dùng các lời nói, hành động gây gổ với bạn, tạo mâu thuẫn và dẫn đến dễ dùng hành động tay chân để giải quyết vấn đề. Chúng tôi đặc biệt quan tâm cũng như sát sao với các em hơn.
Đồng thời, nhà trường sẽ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, chuyên gia tâm lý phân loại hành vi để đưa ra phương hướng hỗ trợ các em.
Những học sinh thường xuyên vi phạm, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với các chuyên viên tư vấn tâm lý học đường để trò chuyện, định hướng lại hành vi cho các em không để các em bị cô lập hay cảm thấy đơn độc một mình.
Bên cạnh đó, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường sẽ phối hợp các giáo viên bộ môn, gia đình để cùng học sinh thiết lập ranh giới được phép trong giao tiếp, tư vấn cho học sinh cách giao tiếp phù hợp với bạn, tránh bị gây tổn thương cho bạn bè cũng như chính bản thân học sinh đó.
“Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến các em, dành nhiều thời gian quan tâm lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc mà các em đang gặp phải để chia sẻ, đồng hành.
Nhà trường, thầy cô luôn đồng hành, hỗ trợ bảo vệ các em, để các em có những ngày tháng học vui vẻ, bổ ích nhất và không cảm thấy lạc lõng hay cô đơn khi ở trường học”, cô Biên nói thêm.
“Vấn đề bạo lực học đường luôn là nỗi lo của mỗi phụ huynh, nhà trường. Do đó mỗi ngày con đi học về, tôi thường xuyên hỏi han, tâm sự con về một ngày của mình ở trường ra sao. Từ đó, tôi có thể nắm bắt được tình hình con học tập tại trường.
Nếu phát hiện con có dấu hiệu lạ như: hay nổi cáu, dùng hành động để giải tỏa cảm xúc tôi sẽ phối hợp cùng cô giáo chủ nhiệm, nhà trường cùng hỗ trợ, giúp con vượt qua những khó khăn con đang gặp phải. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của bản thân tôi phụ huynh không nên hoàn toàn phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, giáo viên mà phải đồng hành cùng nhà trường để giúp các con có một tuổi học trò hồn nhiên, vô tư”, chị Trần Thị Thu Hường (quận Long Biên, TP. Hà Nội) chia sẻ.