- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Thành công hay thất bại của mỗi người thường là kết quả của những việc rất nhỏ, đôi khi khiến người ta không nhìn ra và coi thường nó.
Bài viết của chuyên gia truyền thông Hà Thúc (Trung Quốc).
Covid-19 khiến chúng tôi mắc kẹt tại nhà. Một số người bạn tôi lập kế hoạch và liệt kê nhiều mục tiêu cần phải làm trong thời gian chống dịch. Ví dụ sẽ đọc 10 cuốn sách hay giảm 5 kg… Mục tiêu khác nhau, nhưng không mấy ai hoàn thành. Đây là hiện tượng rất phổ biến và trở thành bài học cuộc sống cho mọi người. Ban đầu hừng hực khí thế với tinh thần “chiến đấu” cao nhưng cuối cùng lại buông xuôi với lý do “còn bao việc khác phải làm”.
Ảnh minh họa: Phys.org.
Vậy lý do cho sự thất bại này là gì?
Rất dễ hiểu là bởi họ chưa đủ kỷ luật, trong tâm lý học tội phạm, lý thuyết này được gọi với cái tên “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”.
Năm 1969 nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ôtô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California. Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.
Nhưng những gì diễn ra tiếp theo mới rất thú vị.
Năm 1982, nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Lần đầu tiên người này nhắc tới lý thuyết “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”.
Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác để thực hiện tội ác.
Lý thuyết này thực sự rất dễ hiểu. Ví dụ hành lang vốn dĩ rất sạch sẽ, nhưng nếu ai đó ném túi rác vào góc tường và không được dọn dẹp kịp thời, một vài túi rác sẽ sớm trở thành bãi rác lớn. Lâu dần hành lang sẽ trở thành nơi tập kết rác và trở nên hôi hám, bẩn thỉu. Đây chính là “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”. Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng.
Lý thuyết trên tưởng chỉ dành cho phân tích tâm lý tội phạm nhưng lại có quan hệ chặt chẽ đến kỷ luật và sự tăng trưởng của bản thân mỗi người.
Lấy ví dụ như vấn đề giảm cân. Hôm nay quyết tâm chạy bộ, nhưng ngày mai vì quá bận nên không chạy, ngày mốt lại quá mệt nên nghỉ chạy. Theo thời gian bạn sẽ bỏ hẳn nhu cầu ban đầu chạy bộ để giảm cân.
Thành công trong sự nghiệp cũng là quy luật. Bạn sẽ lười biếng hôm nay và ngày mai, mặc dù có vẻ không phải vấn đề lớn nhưng về lâu dài bạn sẽ hoàn toàn trở thành một người không chăm chỉ, thậm chí có thể bỏ rơi chính mình.
Có một câu nói: “Bạn sống một ngày thế nào thì cả đời sẽ sống như thế”. Lười biếng và buông thả trong một ngày tương đương việc bạn phá vỡ một lỗ nhỏ trên ô cửa sổ. Nếu không kịp nhận ra sự nghiêm trọng của việc này và chấn chỉnh lại, cuộc sống sẽ ngày càng xuất hiện nhiều “lỗ hổng” và cuối cùng bạn sẽ mang trên mình đầy mảnh vỡ.
“Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi” (Không được cho rằng việc xấu rất nhỏ mà làm, không được cho rằng việc thiện rất nhỏ mà không làm). Đây là lời mà nhân vật Lưu Bị trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đã nói với con trai trước khi chết và trở thành một câu châm ngôn nổi tiếng.
Nếu như ban đầu bạn không kiểm soát được một vài ham muốn nhỏ, thỏa hiệp một chút, coi thường vài căn bệnh vặt vãnh,… cuối cùng nó sẽ biến thành rất lớn, thậm chí không thể kiểm soát được nữa.
Đừng để “Hiệu ứng cửa sổ vỡ” hủy hoại cuộc sống
Trên thực tế, “Hiệu ứng cửa sổ vỡ” áp dụng được nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Vào những năm 1980, việc quản lý tàu điện ngầm ở New York rất hỗn loạn và đây là nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất thành phố. Điều này khiến nhiều người dân sợ phải đi tàu điện ngầm. Đến cuối những năm 1980, số lượng hành khách giảm xuống tới mức thấp kỷ lục.
Sau đó, Sở giao thông vận tải New York đã thuê David Gangsi làm giám đốc vận hành tàu điện ngầm. Sau khi nhậm chức, ông đã dành phần lớn tâm sức để dọn dẹp những bức vẽ bậy, những đối tượng say xỉn, tiểu bậy… ở các nhà ga. Không chỉ sử dụng công nghệ tẩy sơn mới mà vị giám đốc này còn triển khai rất đông nhân viên dọn dẹp. Một số người vẽ bậy trong đêm, sáng hôm sau đã được khắc phục nhanh chóng. Ông cũng xử phạt rất nặng những đối tượng vẽ bậy nếu bắt được. Vài năm sau, người kế nhiệm David Gangsi tiếp tục cách làm này, tập trung vào việc chấn chỉnh hiện tượng trốn vé trên tàu điện ngầm. Bảo vệ thường xuyên được mặc thường phục để bắt kẻ trốn vé và còng tay những người này. Người lên tàu cũng được sắp xếp thành hàng lối, thay vì chen chúc không theo kỷ luật như trước đó.
Vào giữa những năm 1990, tình hình tàu điện ngầm ở New York bắt đầu được cải thiện. Cuối thập kỷ 90, tỷ lệ tội phạm ở đây đã giảm 75% so với 10 năm trước, trở thành một trong những tuyến tàu điện ngầm an toàn nhất nước Mỹ.
Một khi những vấn đề nhỏ được giải quyết, những vấn đề hóc búa thường sẽ cũng được giải quyết một cách cơ bản. Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu bạn không muốn cuộc sống của mình bị đổ nát và thủng lỗ chỗ, thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là sửa chữa kịp thời những “cửa sổ bị hỏng”.
Nói cách khác, chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ, không thể dung thứ cho một số vấn đề nhỏ và thói quen xấu trên cơ thể mình. Mỗi người nên sửa chữa kịp thời khi phát hiện ra vấn đề, đây được gọi là “lấp lỗ hổng”.
Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt bị lãng phí”, với ngụ ý rằng, hãy ngừng lãng phí thời gian và sửa chữa bản thân. Cải thiện bản thân một chút, tiến bộ một chút và trưởng thành mỗi ngày, bạn sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình ngay từ hôm nay.
Nguồn: Hải Hiền (Theo sina)