- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Ngủ đúng giờ giúp nhịp sinh học của cơ thể cân bằng, hạn chế buồn ngủ vào ban ngày, phòng bệnh tiểu đường, huyết áp cao.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người khó ngủ sớm, dậy sớm do công việc hoặc chăm sóc con nhỏ. Ngủ đủ giấc vào ban đêm giúp cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Mỗi người nên ngủ đúng giờ, khoảng 7 tiếng vào ban đêm và thức dậy vào sáng sớm. Thường xuyên ngủ sớm có thể tái tạo lại nhịp sinh học của cơ thể. Nhịp sinh học là một lịch trình đi ngủ và thức dậy tự nhiên của não bộ. Đây được coi là đồng hồ sinh học của con người.
Trong 24 giờ một người bình thường trải qua các trạng thái gồm tỉnh táo, tăng cường tỉnh táo ở những thời điểm nhất định. Thời điểm dễ ngủ là 13h, 15h và 2-4h. Nếu chất lượng giấc ngủ tốt, sáng hôm sau, bạn sẽ không có tình trạng buồn ngủ. Trường hợp thức khuya nhiều, làm việc quá sức, đi ngủ vào những thời điểm khác nhau trong tuần, đồng hồ sinh học sẽ mất cân bằng khiến cơ thể mệt mỏi. Do đó, mỗi một độ tuổi cần có thời gian ngủ hợp lý.
Trẻ 0-3 tháng tuổi cần ngủ từ 14-17 giờ, 4-12 tháng tuổi ngủ từ 12-16 giờ. Bé tròn một tuổi nên ngủ đủ từ 11-14 giờ, 3-5 tuổi từ 10-13 giờ, 9-12 tuổi từ 9-12 giờ, 13-18 tuổi từ 8-10 giờ. Thanh thiếu niên 18 tuổi cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Người từ 60-64 tuổi nên ngủ từ 7-9 giờ, 65 tuổi trở lên cần ngủ từ 7-8 giờ.
Ngủ đúng giờ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng các bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: Freepik
Cơ thể và não bộ hoạt động chậm vào buổi tối và tái khởi động khi mặt trời mọc. Nghiên cứu về giờ đi ngủ, thời gian ngủ liên quan đến triệu chứng trầm cảm ở hơn 1.190 người lao động Nhật Bản năm 2013 đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia (Mỹ), cho thấy, người đi ngủ muộn có nhiều khả năng xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Thời lượng ngủ ít có thể là nguyên nhân khiến cơ thể có triệu chứng của bệnh lý này.
Các chuyên gia nhận định việc ngủ không đủ giấc thường xuyên có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Cụ thể, người thiếu ngủ dễ bị ốm, nhiều nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, stress… Tương tự, việc ngủ quá nhiều (hơn 8-9 giờ) vào buổi tối cũng khiến người bình thường thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, phiền muộn, gặp vấn đề về tim mạch, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, dễ hen suyễn…
Tiến sĩ Colleen Lance, chuyên gia về rối loạn giấc ngủ cho biết, nếu gặp khó khăn khi đi ngủ trong cùng một thời điểm mỗi tối, mỗi người cần ăn sớm nhằm thiết lập lại chu kỳ ngủ. Trước khi ngủ không nên ăn nhẹ, uống rượu, bia, cà phê gây gián đoạn giấc ngủ. Viết nhật ký giấc ngủ có thể theo dõi thời gian, giúp bác sĩ đánh giá chất lượng của giấc ngủ.
Mỗi người cần lên kế hoạch đi ngủ sớm, thức dậy đúng giờ vào sáng ngày hôm sau. Nếu khó ngủ vào ban đêm hoặc trằn trọc, người bệnh nên đi khám. Trong một số trường hợp, một người có thể ngủ đủ giấc nhưng thức dậy vào mỗi buổi sáng với cảm giác mệt mỏi, ngủ không ngon. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe như chứng ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp và giúp người bệnh điều chỉnh lịch trình ngủ phù hợp.
Nguồn: Minh Thúy
(Theo Healthline, Cleveland Clinic, Medical News Today)