Một cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên – sự kiện này thoạt nghe có vẻ không quá lớn lao, nhưng nó cho thấy trường đang tiến về phía trước theo đúng chiến lược phát triển được đặt ra từ cách đây 3 năm. “Khi ấy, Trường Đại học Phenikaa đã quyết định thay đổi mục tiêu phát triển: từ đại học nghiên cứu sang đại học đổi mới sáng tạo. Đấy là dấu mốc đầu tiên, và là bước quyết định trong đường hướng phát triển 20 năm tiếp theo của nhà trường”, GS. Phạm Thành Huy nhớ lại.
Vậy hai mô hình đại học này có gì khác biệt? Theo GS Huy, đại học đổi mới sáng tạo là một mô hình mới, lấy nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm giá trị cốt lõi cho mọi hoạt động. Nếu mô hình đại học nghiên cứu chú trọng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, thì giờ đây các trường đại học có thêm vai trò mới là nơi trực tiếp tạo ra “giá trị” cho sự phát triển của chính mình và cho cộng đồng. Nhìn xa hơn, mô hình này sẽ tạo ra đại học trách nhiệm xã hội cao (Entrepreneurial University), phục vụ trực tiếp xã hội bằng các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, với chuyển giao tri thức là đích đến.
Đó cũng chính là mô hình mà các trường đại học lớn trên thế giới đang theo đuổi. Khi một trường đại học tập trung vào việc chuyển giao tri thức, phát triển hợp tác với các doanh nghiệp định hướng công nghệ, ngôi trường ấy sẽ không còn đơn thuần là tháp ngà khoa học nữa, mà là nơi tạo ra giá trị cho xã hội từ tri thức của mình.
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 5/2019, Trường Đại học Phenikaa đã công bố thành lập 8 nhóm nghiên cứu mạnh với những cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mạnh mẽ cho các trưởng nhóm. Như một cách hiện thực hóa mong muốn chuyển đổi thành đại học đổi mới sáng tạo, trường không chỉ đặt ra các cho trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cũng như các thành viên nghiên cứu chủ chốt những yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực công bố, chất lượng công bố, số lượng trích dẫn, mà còn lượng hóa cụ thể số sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, kinh nghiệm hợp tác với doanh nghiệp, số hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Sau 3 năm, GS. Phạm Thành Huy đánh giá, “đa số các nhóm đều phát triển vượt bậc, hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp một phần rất đáng kể vào các sản phẩm khoa học và công nghệ của trường. Và hơn thế nữa, từ hai trong số các nhóm nghiên cứu này, đã hình thành nên hai công ty spin-off: Công ty Chuyển đổi số Phenikaa (Phenikaa Digital Transformation) và Công ty Công nghệ và Giải pháp chiếu sáng Phenikaa (Phenikaa Lighting).”
Bên cạnh hai công ty spin-off, cho đến nay, trường còn tự thành lập một số doanh nghiệp như CTCP Thương mại và Chuyển giao Công nghệ Phenikaa (Phenikaa T), CTCP Phenikaa-X – nơi vừa ra mắt mẫu xe tự hành thông minh đầu tiên của Việt Nam vào năm ngoái, Công ty nghiên cứu và kiểm nghiệm thuốc AQP,…
Khi nhắc đến sự ra đời của những doanh nghiệp trong trường, không thể không nhắc đến vai trò của Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa. Trong buổi phỏng vấn với Tia Sáng vào thời điểm Quỹ mới ra đời, GS Phạm Thành Huy cho biết đây sẽ là chỗ dựa cho các startup công nghệ và công ty spin-off bắt đầu một hành trình mới trong phát triển công nghệ vị kinh doanh. “Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa cam kết tài trợ đủ mạnh để các nhà khoa học có thể tin cậy gửi gắm các ý tưởng khoa học và dám chấp nhận tài trợ cho các đề tài mang tính đột phá, nghĩa là đi kèm với sự dài hạn và rủi ro. Mục tiêu quan trọng của Quỹ là tìm được những người khả tín và làm thực”.
Dù vậy, để đi từ ý tưởng đến bước thương mại hóa là một hành trình dài và đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư. Nhằm hoàn thiện “mắt xích quan trọng trong Hệ sinh thái Phenikaa” với các khâu nghiên cứu – ứng dụng – sản xuất – thương mại, Nhà máy Điện tử Thông minh Phenikaa (Phenikaa Electronics) đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 vừa qua. Đây sẽ là nơi thử nghiệm các công nghệ do chính các thầy cô trong trường nghiên cứu và chuyển giao.
Với định hướng đại học đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, không chỉ các giảng viên, mà bản thân sinh viên trong trường cũng được khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận môi trường nghiên cứu và tham gia các dự án nghiên cứu – chuyển giao từ năm thứ 2. Giờ đây, các sinh viên sẽ được giới thiệu ý tưởng của mình và có cơ hội hiện thực hóa nó – đó là lý do mà cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của trường. Cần nhớ rằng một trong những yếu tố quan trọng để trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, đó là người học phải được hỗ trợ để biết cách phân tích, đặc biệt biết dựa vào cơ sở dữ liệu để dự báo, tiên lượng các xu thế phát triển và các đột phá về KH&CN trong tương lai.
“Nếu các em có ý tưởng tốt, nhà trường sẽ đồng hành cùng các em. Khi đó, tài sản trí tuệ của sinh viên sẽ được lượng giá, định giá, được chuyển đổi thành cổ phần trong các công ty”, GS. Phạm Thành Huy khuyến khích. Là người đã từng dấn thân vào con đường khởi nghiệp cách đây 30 năm, vị hiệu trưởng đưa ra lời khuyên cho sinh viên của mình: “Thầy mong muốn các em coi đây [cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Phenikaa] là một cơ hội của chính mình. Hãy lựa chọn, tập trung, làm việc hết mình và đi đến tận cùng.”