Nếu tôi nói với bạn rằng, có một kho tàng chứa đựng những tính cách có thể giúp thay đổi cuộc đời bạn 180 độ, bạn có tò mò không? Có muốn khám phá chúng không?
Sau đây tôi sẽ liệt kê 5 phẩm chất giúp bạn chèo lái hành trình đầy hỗn loạn, khó đoán và cực kỳ vui nhộn mà chúng ta vẫn hay gọi là cuộc đời. Nếu may mắn, bạn còn có thể ngẩng cao đầu và đánh giá cao hơn cái tôi mà bạn từng cho là thảm họa. Bạn đã sẵn sàng chưa?
1. Tự nhận thức: Hệ điều hành tối ưu
Trước khi thay đổi được bất cứ điều gì trong cuộc sống, bạn phải nắm được những gì đang xảy ra trong đầu mình. Khả năng tự nhận thức (self-awareness) giống như hệ điều hành giúp bộ máy tâm lý của bạn vận hành trơn tru. Không có nó, bạn sẽ không thể rút kinh nghiệm khi mắc lỗi, điều chỉnh thói quen hoặc nhận ra khi nào bạn đang lên cơn ái kỷ.
Vậy làm thế nào để xây dựng khả năng tự nhận thức? Mấu chốt xoay quanh việc đặt câu hỏi về suy nghĩ và cảm xúc của bạn, cũng như rèn luyện khả năng xem xét nội tâm.
Thiền định, viết nhật ký, gặp chuyên gia trị liệu hay thậm chí nhờ những người thân thiết chỉ ra những khuyết điểm bạn cần cải thiện. Quan trọng nhất là bạn hình thành thói quen tự vấn bản thân các câu hỏi “khó nhằn” như vậy.
2. Chấp nhận rủi ro: Nắm bắt nghệ thuật thất bại và để bản thân xấu hổ
Cuộc đời là một chuỗi hững đánh đổi và chấp nhận rủi ro chúng mang lại. Nếu muốn đi tới đích, bạn phải hình thành khả năng chấp nhận thất bại và sự xấu hổ đi kèm với nó. Bởi vì “liều thì mới ăn nhiều”, những phần thưởng lớn luôn đi kèm với rủi ro đáng kể.
Chẳng hạn bạn crush đắm đuối cô gái tình cờ gặp ở tiệm sách, thì việc bước tới trò chuyện với cô ấy có tỉ lệ rủi ro trên lợi nhuận rất cao. Trường hợp xấu nhất (bạn bị từ chối), bạn sẽ có vài giây lúng túng; còn trường hợp đẹp nhất sẽ là một mối quan hệ thay đổi cuộc đời bạn.
Thế nên hãy lấy hết can đảm để đối mặt trực tiếp với rủi ro và đón nhận khả năng thất bại. Dù kết quả thế nào, thì đó cũng là một phần của hành trình cuộc đời.
3. Sự hoài nghi: Đặt câu hỏi với mọi thứ (kể cả bài viết này)
Cuộc đời này có nhiều điều thật giả lẫn lộn. Thế nên trong thế kỷ 21, bạn cần đặt “chế độ hoài nghi” làm mặc định: tìm tòi dẫn chứng, tư duy lý trí và sẵn sàng sống với sự thiếu ổn định. Bạn cần lưu ý, sự hoài nghi không chỉ là “chất vấn” những thứ bạn thấy trên truyền thông đại chúng, mà là với mọi thứ trên đời (kể cả thuyết âm mưu hay những ai nghĩ trái đất phẳng).
Thế nên bạn hãy luôn nghi ngờ bất cứ nội dung nào bạn đọc, hay người nào bạn follow trên mạng xã hội – kể cả tôi, khi bạn đang đọc bài viết này. Bạn chỉ cần nhớ rằng, sự hoài nghi lành mạnh hình thành khi bạn giữ thái độ cởi mở với mọi khả năng, chứ không phải cố chấp với mọi điều bạn thấy.
4. Lòng trắc ẩn: Chúng ta đều đau khổ, vậy sao không thương nhau nhiều hơn một chút?
Có một sự thật đau lòng: chúng ta đều đau khổ. Ai cũng gặp vấn đề trong một hay nhiều mặt của cuộc sống, và điều đó hoàn toàn bình thường.
Đó chính là lý do chúng ta cần có lòng trắc ẩn với nhau. Khi thấy có ai mắc lỗi, thử nghĩ xem họ đang cố đạt được điều gì, và thông cảm hơn một chút với khó khăn của họ.
Phẩm chất này có thể được phát biểu bằng quy tắc dao cạo Hanlon: “Đừng bao giờ đánh giá một điều là độc ác, nếu nó có thể bắt nguồn từ sự vô tri”. Chúng ta đều đang cố làm tốt nhất có thể, và đôi khi điều tốt nhất của chúng ta lại khá tệ. Thế nên chúng ta hãy cố gắng quan tâm đến nhau khi có thể, và thông cảm cho nhau một chút khi mọi việc trở nên tồi tệ.
5. Sự kiên nhẫn: Đi chậm mà thắng chắc
Khoảng chú ý của chúng ta đang ngày một ngắn hơn, và nguyên nhân không đâu khác là sự hài lòng tức thời (instant gratification). Nhưng sự kiên nhẫn vẫn luôn là đức tính đáng quý, và nó đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nếu bạn có thể hình thành sự kiên trì để vượt qua nhiễu động và tập trung vào phần thưởng lâu dài, bạn sẽ dẫn trước không ít người trên đường đua cuộc đời. Vì vậy, chúng ta nên học cách chấp nhận việc đi chậm và chờ đợi thành quả. Giống như câu chuyện ngụ ngôn mà ai cũng biết, cuối cùng thì rùa vẫn thắng cuộc, còn thỏ vẫn đứng ngơ ra không hiểu mình đã sai ở đâu.
Nguồn: Vietcetera